|
|||
|
|||
#1
|
|||
|
|||
Truyện cổ Grim!!!
Ba anh em Một người có ba con trai, cả cơ nghiệp có một cái nhà. Người con nào cũng muốn sau này, khi bố mất, nhà sẽ về mình. Ông bố thì con nào cũng quí, thành ra rất phân vân, không biết tính sao cho các con vừa lòng. Bán nhà đi thì có tiền chia cho chúng, nhưng là của hương hỏa nên ông không muốn bán. Sau ông nghĩ được một kế, bảo các con: - Chúng mày hãy đi chu du thiên hạ, thử gan thử sức một phen. Mỗi đứa học lấy một nghề. Đứa nào giỏi nhất, bố cho cái nhà. Ba người con lấy làm thích lắm. Người con cả muốn trở thành thợ đóng móng ngựa, người thứ hai muốn làm thợ cạo, còn người em út muốn làm thầy dạy võ. Ba anh em hẹn nhau ngay về, rồi chia tay ra đi. Cả ba người đều gặp được thầy giỏi truyền cho biết hết bí quyết nhà nghề. Người đóng móng ngựa được làm việc cho nhà vua và nghĩ bụng: "Phen này, chắc nhà không thoát khỏi tay mình". Người thợ cạo được sửa tóc cho những nhà quyền quí nên chắc mẩm là được nhà. Anh học võ bị đấm nhiều miếng nhưng vẫn cắn răng chịu, nghĩ bụng: "Nếu sợ bị đấm thì bao giờ được nhà?". Đến hẹn, ba anh em trở về nhà. Nhưng chẳng ai biết làm thế nào để thi thố tài nghệ của mình, bèn ngồi bàn với nhau. Đương lúc ấy chợt có một chú thỏ băng qua cánh đồng. Anh thợ cạo reo lên: "May quá, thật là vừa đúng dịp". Anh liền cầm đĩa xà phòng, đánh bọt, đợi thỏ ta đến gần, anh vừa chạy theo vừa quét xà phòng, cạo râu thỏ mà không hề làm thỏ xầy da chút nào. Người bố khen: "Khá lắm! Nếu hai thằng kia không làm được trò gì hay hơn thế thì cho mày cái nhà". Một lát sau có một cỗ xe ngựa chạy qua như bay. Anh đóng móng ngựa nói: "Bố xem tài con nhé!". Anh liền chạy đuổi theo cỗ xe, tháo bốn móng sắt của một con ngựa và thay luôn bốn móng mới trong khi ngựa vẫn phi đều. Người bố lại khen: "Mày giỏi lắm! Mày chẳng kém gì em mày. Không biết cho đứa nào cái nhà đây!". Lúc bấy giờ người con út mới nói: - Thưa bố, bây giờ đến lượt con, bố cho con thử tài. Vừa lúc ấy trời bắt đầu mưa. Anh ta rút ngay gươm múa kín trên đầu, người không dính một giọt nước nào. Trời mưa ngày càng to, anh ta múa càng hăng, áo quần vẫn khô như đứng nơi kín đáo. Người bố ngạc nhiên quá reo lên: - Con thật là tài nhất! Thôi con được cái nhà rồi. Hai anh cũng phục người em út lắm và đồng ý với cha. Ba anh em rất mực thương nhau nên ở cùng một nhà, mỗi người làm nghề của mình. Họ tài khéo nên kiếm được nhiều tiền. Họ sống sung sướng như vậy mãi cho đến lúc tuổi già, một người ốm chết, hai người kia buồn rầu cũng chết theo. Cả ba anh em vừa khéo vừa giỏi, lại vừa quí mến lẫn nhau, đều được chôn chung một mộ. |
#2
|
|||
|
|||
cổ tính nè , thix lém , Grimm có chíu trên TV đóa , hay lém |
#3
|
|||
|
|||
Hanxơ sắt Xưa có một ông vua. Quanh cung điện của vua là một khu rừng lớn trong đó có đủ các loài dã thú. Một hôm, có một người thợ săn được vua phái vào rừng để bắn một con nai, nhưng không thấy anh ta trở về vua bảo: - Có lẽ hắn gặp tai nạn rồi. Hôm sau, vua sai hai tên thợ săn khác vào rừng để tìm người thứ nhất, nhưng rồi cũng chẳng thấy ai về. Ngày thứ ba, vua cho triệu tất cả các thợ săn trong xứ đến bảo: - Các ngươi hãy đi sục khắp khu rừng tìm ra kỳ được ba người mới thôi. Đoàn người đi rồi lại cũng không thấy ai về. Cả đến đàn chó săn mà họ dắt theo cũng biến đâu hết cả. Từ hôm đó chẳng ai dám vào rừng nữa. Khu rừng càng thêm âm thầm hiu quạnh. Họa hoằn mới thấy bóng một con chim ưng, hoặc một con diều hâu bay ngang qua. Cứ thế cho mãi đến mấy năm sau mới có một người thợ săn lạ mặt đến yết kiến vua, xin chu cấp và tình nguyện vào khu rừng nguy hiểm nọ. Nhưng vua không muốn nhận lời bèn phán: - Trong đó chẳng an toàn đâu, ta chỉ ngại nhà ngươi sẽ còn phải gặp chuyện rủi ro hơn cả mấy tên trước nữa, khó mà về thoát được. Người thợ săn đáp: - Tâu bệ hạ, xin cứ cho tôi thử một phen. Tôi không sợ đâu. Người thợ săn dắt chó vào rừng. Đi mới được một lát. Chó tìm thấy vết thú. Nó muốn lần theo nhưng chưa được mấy bước đã thấy một cái đầm rất sâu chắn trước mặt, không thể nào đi tiếp được nữa. Liền đó một cánh tay trần trụi từ dưới nước ngoi lên túm lấy nó kéo xuống. Người thợ săn thấy thế quay về ngay. Anh ta lấy thêm ba người nữa, đem thùng theo định tát cạn cái đầm kia. Lúc đã nhìn được suốt xuống tận đáy đầm, họ thấy có một người rừng nằm dài dưới đó, mình hắn toàn bộ màu nâu như sắt gỉ, tóc phủ qua mắt xõa xuống đến tận đầu gối. Họ lấy thừng trói gô hắn lại rồi điệu về cung điện. Nhân dân xôn xao kinh ngạc về người rừng. Vua cho nhốt hắn vào một cái lồng sắt đựng ở ngoài sân chầu và nghiêm cấm không ai được mở cửa lồng. Kẻ trái lệnh sẽ bị tử hình và hoàng hậu đích thân giữ chìa khóa. Từ hôm đó, mọi người lại có thể yên tâm vào rừng. Vua có một Hoàng tử lên tám tuổi. Một hôm, Hoàng tử đương chơi bóng ngoài sân bỗng quả bóng vàng lăn vào trong cái lồng. Hoàng tử chạy theo đòi: - Trả lại bóng cho ta đây. Người rừng đáp: - Hãy mở cửa cho ta rồi ta sẽ trả. Hoàng tử nói: - Không được, điều đó thì không được, cha ta đã có lệnh cấm. Nói xong, Hoàng tử chạy đi. Nhưng hôm sau, Hoàng tử lại đến đòi quả bóng. Người rừng lại dỗ: - Mở cửa cho ta. Hoàng tử không chịu. Ngày thứ ba, giữa lúc vua đi săn vắng, Hoàng tử lại tới bảo: - Cho dù ta có muốn cũng chẳng mở được, vì ta không có chìa khóa. Người rừng đáp: - Chìa khóa ở dưới gối mẹ mi ấy, vào đó mà lấy. Hoàng tử còn nhỏ tuổi, muốn lấy lại quả bóng quá, không kịp suy nghĩ chạy vào lấy luôn chìa khóa đem ra. Mở mãi mới được cái cửa, hoàng tử lại bị kẹp một ngón tay. Cửa mở rồi, người rừng bước ra, trả cho hoàng tử quả bóng rồi đi thẳng. Chú bé hoảng sợ, kêu gọi ầm ĩ: - Trời, người rừng ơi, đừng đi, ta sẽ bị đòn mất thôi. Người rừng bèn quay lại, bế bổng Hoàng tử lên vai, rảo bước đi vào rừng. Lúc vua về nhà, thấy cái lồng trống không, vội hỏi hoàng hậu xem sự thể thế nào. Hoàng hậu vẫn chưa biết chuyện mới đi tìm chìa khóa thì chìa khóa đã mất. Hoàng hậu vội lên tiếng gọi con, không thấy ai trả lời. Vua sai người ra ngoài thành tìm mà không thấy. Vua đoán biết là có chuyện gì rồi. Trong triều, không khí nặng nề buồn bã. Lúc người rừng đã vào tới quãng rừng sâu rồi. Hắn đặt chú bé xuống đất mà bảo chú: - Mi sẽ không được thấy lại bố mẹ nữa đâu. Tuy vậy ta sẽ giữ mi ở với ta, ta thương mi vì chính mi đã giải thoát cho ta. Mi cứ theo đúng lời ta dặn thì sẽ được đối đãi tử tế. Vàng ngọc ở đây không thiếu, ta có nhiều của cải hơn bất kỳ ai trên thế gian này. Người rừng dọn cho chú bé một ổ rêu làm chỗ ngủ. Hôm sau, hắn dẫn chú bé đến một cái giếng và bảo: - Này, cái giếng vàng này sáng và trong như pha lê ấy. Nhiệm vụ của mi là ngồi đây mà canh, không được để cho một thứ gì rơi xuống đó, bằng không, giếng sẽ mất thiêng. Cứ chiều chiều ta sẽ đến xem mi có làm đúng lời dặn không? Chú bé ngồi bên cạnh giếng, chốc chốc lại thấy một con cá vàng hoặc một con rắn vàng xuất hiện dưới đó. Chú cũng để ý giữ, không cho bất kỳ thứ gì rơi xuống giếng. Nhưng ngồi được hồi lâu, ngón tay bị kẹp đột nhiên đau dội lên, chú vô tình nhúng nó xuống nước. Chú vội rút lên thật nhanh, song ngón tay đã bị phủ toàn vàng mất rồi, chú ra sức lau mà không tài nào sạch được. Chiều tối. Hanxơ sắt - tên người rừng, đến nhìn chú bé hỏi: - Có chuyện gì xảy ra ở giếng thế? Chú bé đáp: - Không, không. Chú cố giấu ngón tay ra sau lưng cho người rừng khỏi thấy. Nhưng người rừng đã bảo chú: - Mi đã nhúng ngón tay xuống nước rồi. Lần này ta tha, song mi cứ liệu, không được để bất kỳ cái gì rơi xuống nước nữa nhé! Hôm sau, mới mờ sáng, chú bé đã trở dậy ra ngồi cạnh giếng. Ngón tay lại đau, chú vuốt nó lên đầu cho dịu đi. Không may có một sợi tóc đứt rơi đúng xuống giếng. Chú vội nhặt lên nhưng đã muộn, sợi tóc đã chói một màu vàng. Hanxơ sắt đến, biết ngay là có chuyện. - Mi lại để một sợi tóc rơi xuống giếng rồi. Phen này ta bỏ qua cho mi, nhưng nếu còn để xảy ra chuyện đến lần thứ ba, cái giếng kia mất thiêng đi, mi sẽ không còn được ở đây với ta nữa. Ngày thứ ba, chú bé ngồi bên giếng, ngón tay vẫn đau lắm mà không dám động đậy. Nhưng rồi ngồi yên mãi cũng chán, chú mới cúi xuống soi bóng mình dưới lòng giếng. Cúi mãi, cúi mãi, chú cứ muốn soi cho thật rõ, bất ngờ cả mái tóc dài của chú từ hai vai xõa xuống nhúng ngay vào nước. Chú vội đứng thẳng lên thật nhanh, song muộn mất rồi, cả mớ tóc đã nhuốm vàng, rực rỡ như vầng hồng. Chú khiếp đảm quá, rút khăn tay buộc lên đầu cho người khác khỏi nhìn thấy. Lúc Hanxơ sắt đến, hắn đã biết hết chuyện xảy ra nên bảo chú: - Cởi cái khăn ra. Tức thì những sợi tóc vàng thì nhau rủ xuống, chú bé ra sức kêu xin nhưng cũng vô ích. - Mi đã không vượt qua được cơn thử thách nên không thể ở lại đây được nữa đâu. Giờ mi hãy đi ở với thiên hạ thôi. Mi sẽ biết thế nào là cảnh khổ. Song vì mi không có ác tâm và ta cũng mến mi nên ta cho phép mi một điều. Lúc nào gặp khó khăn, mi cứ vào rừng gọi: “Hanxơ sắt", ta sẽ tới cứu mi. Quyền lực của ta rất lớn, lớn hơn mi tưởng nhiều: vàng, bạc ta đều có thừa. Hoàng tử từ biệt khu rừng đó, cứ chiếu thẳng đường mà đi, đến một thành phố lớn. Hoàng tử định tìm việc làm nhưng không có, vả chăng bản thân cũng chưa từng học nghề gì để có thể kiếm ăn. Sau cùng, hoàng tử đến thẳng cung vua hỏi xem có ai muốn mướn chàng hay không. Triều thần không biết dùng chàng vào việc gì nhưng vì mọi người đều mến chàng nên giữ chàng lại. Chàng được giao việc phụ bếp, ngày ngày khuân củi, xách nước, quét tro. Một hôm, vì không tìm được ai khác, người đầu bếp sai chàng bưng thức ăn lên dâng vua. Chàng không muốn để lộ mớ tóc vàng nên cứ đội nguyên cả mũ mà vào hầu. Vua chưa từng gặp chuyện vô lễ như thế bao giờ, quở ngay: - Mi mang thức ăn vào dâng vua thì phải bỏ mũ ra. Chàng đáp: - Tâu hoàng thượng, tiếc rằng thần không thể làm thế được, thần bị bệnh chốc đầu. Vua bèn cho gọi ngay người đầu bếp tới, quở hắn sao dám mướn một kẻ như thế giúp việc. Vua hạ lệnh phải đuổi chàng đi ngay tức khắc. Người đầu bếp thương chàng, không nỡ đuổi, cho đổi việc với gã coi vườn. Từ đó, ngày ngày Hoàng tử trồng cây, tưới cây, xới đất, đào đất ở ngoài vườn chẳng quản gió mưa. Trời đã sang hè, một hôm đương lúc mải làm, oi bức quá, chàng bỏ mũ cho mát. Ánh nắng rọi vào mớ tóc sáng rực, tia vàng phản chiếu lọt vào đến tận phòng riêng của công chúa. Nàng nhỏm dậy, ra xem có chuyện gì lạ. Tức thì nàng thấy chàng trai, liền gọi lại: - Này chàng kia, hãy mang lại đây cho ta một bó hoa. Hoàng tử vội vã đội ngay mũ lên đầu, bó một bó hoa đồng mang lại. Chàng đương lên thang thì gặp người coi vườn bảo: - Sao dâng hoa lên công chúa lại dám lấy rặt những giống hoa dại này? Xuống lấy bó khác ngay đi, chọn những giống hoa đẹp nhất và hiếm nhất ấy. Chàng đáp: - Không đâu, chính hoa dại lại thơm hơn, chắc chắn công chúa sẽ thích hơn. Lúc chàng bước vào phòng, công chúa bảo chàng: - Bỏ mũ xuống đi, đứng trước mặt ta mà đội mũ là không được. Chàng lại đáp: - Bẩm, thần không dám, vì thần bị chốc đầu. Nhưng công chúa giơ tay nhấc luôn cái mũ khỏi đầu chàng. Tức thì mái tóc vàng kia rủ xuống đến tận vai chàng, nom rất đẹp mắt. Chàng định bỏ chạy, công chúa kéo tay chàng lại, cho chàng một nắm tiền vàng. Chàng cầm tiền đi ra. Nhưng vì chàng chẳng thiết vàng nên đem lại cho người coi vườn, và bảo: - Tôi gửi tặng các cháu nhỏ đây, để chúng làm đồ chơi. Hôm sau, công chúa lại sai chàng đi hái một bó hoa đồng. Chàng cầm bó hoa vừa bước qua cửa phòng, công chúa đã vội giật cái mũ định lấy. Chàng nắm cả hai tay giữ chặt mũ lại. Công chúa lại cho chàng một nắm tiền vàng và lần này chàng vẫn không muốn giữ tiền, đem cho người coi vườn mang về cho con chơi. Ngày thứ ba cũng như hai ngày trước. Công chúa vẫn không lấy được mũ. Chàng cũng không muốn lấy vàng của công chúa. Ít lâu sau, xứ có giặc. Vua cho gọi trăm họ lại. Chính vua cũng chưa biết liệu rồi có chống cự nổi hay không. Thế giặc mạnh lắm, chúng có một đạo quân rất lớn. Chàng coi vườn tâu vua: - Thần cũng đã trưởng thành, nên muốn được đi tòng chinh, xin hãy ban cho thần một con ngựa. Những người khác thấy thế đều cười rộ lên mà rằng: - Hãy chịu khó đợi cho bọn ta kéo đi hết đã rồi hãy vào tàu ngựa mà chọn, bọn ta sẽ để lại cho một con. Khi mọi người đã kéo đi hết cả rồi, chàng vào dắt ngựa ra thì thấy đó là một con ngựa què, khập khiễng bước cao bước thấp. Tuy vậy, chàng cũng vẫn lên ngựa, phóng vào rừng sâu. Đến bên cạnh rừng rồi, chàng cất tiếng gọi ba lần: "Hanxơ sắt!". Tiếng gọi đập vào rừng cây nghe vang dội. Tức thì người rừng hiện ra hỏi: - Mi muốn gì? - Ta muốn có một con ngựa chiến thật khỏe để đi đánh giặc. - Được, mi sẽ có ngựa và còn nhiều hơn thế nữa. Người rừng quay trở vào. Chỉ một lát sau, đã thấy có người coi ngựa dắt một con ngựa chiến từ trong rừng đi ra. Lỗ mũi con vật thở phì phì tưởng chừng rất khó điều khiển được nó. Sau con ngựa là cả một đám quân lính mũ sắt giáp sắt, lưỡi kiếm sáng ngời dưới ánh nắng. Chàng trai trao con ngựa què lại cho người lính coi ngựa, nhảy lên con chiến mã rồi vượt lên cả đoàn quân. Lúc chàng tiến tới gần chiến trường thì bên nhà vua đã bị chết nhiều người và đang sắp phải rút lui. Chàng liền thúc đoàn quân đầy đủ áo giáp và mũ trụ, như một cơn lốc đánh thốc vào giữa quân giặc, đập tan hết thảy mọi sức kháng cự. Giặc định rút chạy nhưng không kịp, chàng trai đã tiến sát sau lưng chúng rồi và chàng cứ thúc quân đánh, đánh mãi kỳ cho đến lúc không còn một tên giặc nào sống sót. Nhưng sau đó chàng chẳng quay về chỗ vua mà lại dẫn quân theo đường tắt trở lại khu rừng cũ, gọi Hanxơ sắt. Người rừng hỏi: - Mi muốn gì? - Nhận lại ngựa của mi đi, trả lại cho ta con ngựa què. Mọi việc xảy ra sau đó như ý muốn của chàng. Chàng cưỡi con ngựa què trở về. Lúc vua về đến cung điện, công chúa ra mừng thắng trận. Vua nói: - Không phải do ta đánh thắng trận, đó là công của một người kỵ sĩ lạ mặt đã đem quân đến giúp ta. Công chúa hỏi người kỵ sĩ đó là ai, nhưng chính vua cũng không biết, nên vua chỉ nói: - Người ấy còn mải đuổi theo quân giặc, nên ta cũng chưa được gặp lại. Công chúa bèn hỏi thăm người coi vườn về tin tức chàng trai nọ. Bác ta cười mà thưa rằng: - Anh ta cưỡi một con ngựa què vừa về đến nhà xong. Mọi người đều giễu cợt và bảo: - Anh chàng tập tễnh về kia rồi. Họ còn hỏi mỉa gã: - Này, suốt thời gian vừa rồi, cậu rúc vào ngủ ở xó nào đấy? Nhưng gã chỉ ôn tồn đáp: "Ta đã làm hết sức mình, không có ta có lẽ đất nước đã nguy rồi", khiến mọi người cười ầm lên. Đức vua phán bảo con gái: - Ta định báo là sẽ mở hội lớn trong ba ngày liền. Nhân dịp ấy con sẽ ném một quả táo bằng vàng, biết đâu chàng kỵ sĩ lạ mặt kia sẽ đến. Sau khi biết tin, chàng trai vội vào rừng gọi Hanxơ sắt. Gã hỏi: - Mi muốn gì? - Ta ước mong sẽ bắt được quả táo vàng của công chúa. Hanxơ sắt đáp: - Được, chắc mi sẽ toại nguyện, nhưng mi phải nhớ mặc một bộ giáp đỏ và cưỡi một con ngựa hồng thật oai phong. Đến ngày hội, chàng trai cưỡi ngựa tới, đi lẫn vào trong đám kỵ sĩ mà không ai nhận ra được chàng, công chúa bước ra nhằm phía các kỵ sĩ mà ném quả táo vàng. Chàng bắt ngay được rồi thúc ngựa phóng luôn đi mất. Ngày thứ hai, Hanxơ sắt cho chàng một bộ áo giáp bạc trắng với một con ngựa bạch. Chàng bắt được quả táo và lại thúc ngựa phóng đi mất. Đức vua giận lắm phán: - Không thể được, hắn phải ra chầu trước mặt ta để ta hỏi tên họ. Vua ra lệnh: - Kỵ sĩ nào bắt được quả táo mà bỏ chạy sẽ bị đuổi theo, nếu không tự ý quay lại sẽ bị đâm chết. Đến ngày thứ ba, chàng trai được Hanxơ sắt cấp cho một bộ áo giáp đen với một con ngựa ô. Chàng lại bắt được quả táo. Lúc chàng bỏ chạy, đám quân sĩ của nhà vua hò nhau đuổi theo. Có một người đuổi rất sát, liền chém một nhát, mũi kiếm lướt ngang chân chàng khiến chàng bị thương. Chàng chạy thoát nhưng vì con ngựa phải nhảy dữ quá, chiếc mũ trụ của chàng bị tuột khỏi đầu rơi mất, mọi người đều trông thấy mái tóc vàng rực. Họ quay ngựa về nói lại cho vua biết. Hôm sau, công chúa hỏi thăm người coi vườn về chàng trai. - Gã ta đang làm ở ngoài vườn. Thế mà gã ta cũng đi dự hội đấy, mãi tối qua mới về. Gã có cho các cháu nhà tôi xem ba quả táo vàng mà gã bắt được. Vua cho đòi chàng. Chàng vào hầu, đầu vẫn đội mũ. Nhưng công chúa đã bước tới bỏ chiếc mũ xuống. Tức thì mái tóc vàng rủ xuống đến tận vai, đẹp quá, mọi người đều phải kinh ngạc. Vua hỏi: - Có phải chính ngươi là người kỵ sĩ đến đám hội mỗi ngày trang phục một màu và đã bắt được ba quả táo vàng đó không? Chàng đáp: - Dạ thưa chính thần đó ạ, và đây là ba quả táo. Chàng móc túi lấy ba quả táo dâng lên vua: - Nếu như hoàng thượng còn đòi thần phải có vật chứng gì khác nữa thì xin hãy xem vết thương đây. Thần đã bị thương trong lúc bị đám quân sĩ đuổi. Nhưng thần cũng chính là người kỵ sĩ đã giúp hoàng thượng chiến thắng quân giăc bữa trước đó. Vua phán: - Ta thấy rồi, ta chịu ơn nhà ngươi, ta có thể làm gì để ngươi vui lòng. Chàng đáp: - Tâu hoàng thượng, thần chỉ xin được cùng công chúa kết duyên. Công chúa cười mà rằng: - Chàng thật không biết úp mở chút nào. Nàng tiến lại ôm hôn chàng. Hôm cử hành hôn lễ, cả cha mẹ chàng cũng đến, hai người rất vui mừng vì họ đã mất hy vọng gặp lại con từ lâu lắm rồi. Vừa lúc mọi người ngồi vào bàn tiệc xong, bỗng thấy ngừng tiếng nhạc, cửa lớn mở ra, một vị hoàng đế oai phong lẫm liệt bước vào, theo sau không biết bao nhiêu là người hầu. Vị hoàng đế ấy bước thẳng đến chỗ chàng trai, ôm chàng bảo: - Ta chính là Hanxơ sắt đấy. Ta đã bị phù phép biến thành một người rừng nhưng con đã giải thoát cho ta. Từ nay mọi thứ của cải mà ta có đều thuộc về con. Câu chuyện giúp các em hiểu về tình nghĩa của con người đối với nhau. Chính sự giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn đã giải thoát được cả bùa mê và phù phép. |
#4
|
|||
|
|||
Bác nông dân và con quỷ Xưa có một bác nông dân khôn ngoan ranh mãnh, mẹo vặt của bác thì không sao kể hết được. Lý thú nhất là chuyện bác có lần lừa được cả quỷ. Một hôm, trời xẩm tối, bác cày ruộng xong, sửa soạn về nhà thì thấy ở trên mảnh ruộng của mình một đống than hồng. Bác lấy làm lạ đến gần thì thấy một con quỉ nhỏ đen xì ngồi trên lửa. Bác bảo: - Mày ngồi trên đống của đấy à? Quỷ đáp: - Đúng rồi, ngồi trên đống của, chú mày suốt đời chưa thấy nhiều vàng bạc đến thế đâu! Bác nông dân nói: - Của cải trên đất của ta là thuộc về ta. Quỷ đáp: - Ừ, nó thuộc về chú mày, nếu chú mày làm ruộng hai vụ, hoa lợi được bao nhiêu chú mày chịu chia cho ta một nửa. Tiền thì ta có khối, ta chỉ thèm có ít hoa lợi thôi. Bác nông dân nhận lời, bảo: - Để sau này chia nhau khỏi lôi thôi, mày sẽ lấy cái gì mọc ở trên mặt đất, tao sẽ lấy cái gì mọc ở dưới. Quỷ đồng ý. Bác nông dân đa mưu trồng củ cải. Đến mùa bới củ cải, quỷ hiện lên để lấy phần hoa lợi của mình thì chỉ thấy rặt có lá úa vàng, còn bác nông dân thì được bới củ, thích chí lắm. Quỷ bảo: - Thôi được, chú mày đã lừa được ta một chuyến, chuyến sau thì đừng có hòng. Cái gì mọc trên mặt đất thì chú mày lấy, còn ta sẽ lấy cái gì mọc ở dưới. Bác nông dân đáp: - Thế cũng được. Đến mùa, bác không trồng củ cải nữa mà gieo lúa. Lúa chín, bác ra đồng cắt lúa gần sát đất. Quỷ đến thấy chỉ có gốc rạ tức quá chui xuống vực. Bác nông dân nói: - Ấy đối với cáo già thì phải cho một vố như thế. Rồi bác đi lấy của. |
#5
|
|||
|
|||
Đóa hồng Ngày xưa có một ông vua và một bà hoàng hậu ngày nào cũng nói: "Ước gì mình có đứa con!" mà mãi vẫn không có. Một hôm hoàng hậu đang tắm thì có con ếch ở dưới nước nhảy lên nói: - Điều bà mong ước bấy lâu sẽ thành sự thực. Hết năm nay bà sẽ sinh con gái. Lời ếch tiên tri quả đúng thật. Hoàng hậu sinh con gái đẹp tuyệt trần. Vua thích lắm, mở hội lớn ăn mừng. Vua mời họ hàng thân thuộc, bạn bè, lại mời cả các bà mụ đến để họ tận tâm chăm sóc, thương yêu con mình. Trong nước có mười ba bà mụ. Nhưng vua chỉ có mười hai cái đĩa vàng để mời ăn, do đó mời thiếu một bà. Hội hè linh đình. Lúc tiệc sắp tàn, các bà mụ niệm chú mừng đứa bé những điều kỳ lạ: bà đầu chúc đức hạnh, bà thứ hai chúc sắc đẹp, bà thứ ba của cải... cứ như vậy chúc tất cả các điều có thể mơ ước được ở trần gian. Mười một bà vừa dứt lời chúc tụng thì bỗng bà mụ thứ mười ba bước vào. Bà muốn trả thù vì không được mời dự tiệc. Bà xăm xăm bước thẳng vào chẳng thèm nhìn ai, chào ai. Bà hét lên: - Công chúa đến năm mười lăm tuổi sẽ bị mũi quay sợi đâm phải mà chết. Rồi bà chẳng nói thêm nửa lời, bỏ đi. Mọi người chưa hết kinh ngạc thì bà thứ mười hai bước lên. Bà tuy chưa niệm chú chúc tụng nhưng cũng không giải được lời chú độc, mà chỉ làm nhẹ đi được thôi. Bà nói: - Công chúa sẽ không chết, chỉ ngủ một giấc dài trăm năm thôi. Vua muốn tránh cho con khỏi bị nạn ra lệnh cấm kéo sợi trong cả nước. Tất cả những lời chúc của các bà mụ đều thành sự thực: công chúa đẹp, đức hạnh, nhã nhặn, thông minh, ai thấy cũng phải yêu. Năm ấy, công chúa vừa đúng mười lăm tuổi. Một hôm, vua và hoàng hậu đi vắng, nàng ở nhà một mình. Nàng đi khắp cung điện để xem tất cả các buồng, thích đâu tạt vào đó. Sau cùng nàng tới một lầu cao. Nàng trèo lên chiếc thang xoáy ốc chật hẹp, tới một cửa nhỏ. Ổ khóa có cắm một chiếc chìa đã gỉ, nàng cầm chìa quay thì cửa mở tung ra. Trong buồng có một bà già ngồi trên tấm ghế nhỏ đang chăm chú kéo sợi. Nàng nói: - Chào bà. Bà làm gì đấy? Bà lão gật gù đáp: - Bà kéo sợi đay. - Cái gì nhảy nhanh như cắt thế kia hở bà? Nàng cầm lấy xa định kéo sợi. Vừa sờ đến thì lời chú thực hiện, nàng bị mũi quay đâm vào tay. Nàng ngãä ngay xuống giường và ngủ mê mệt. Tất cả cung điện đều ngủ. Vua và hoàng hậu vừa về, mới bước chân vào buồng đã nhắm mắt ngủ. Cả triều đình cũng lăn ra ngủ. Ngựa trong chuồng, chó ngoài sân, bồ câu trên mái nhà, ruồi trên tường, đều ngủ. Cả ngọn lửa đang chập chờn trên bếp cũng ngủ yên. Thịt quay cũng ngừng xèo xèo. Bác đầu bếp thấy chú phụ bếp đãng trí đang kéo tóc chú cũng buông ra ngủ. Gió lặng yên trên cây trước lâu đài, không một chiếc lá nào rung. Bụi gai mọc quanh mỗi ngày một rậm, phủ kín cả lâu đài, trong miền ấy, nhân dân truyền tụng là có Đóa Hồng xinh đẹp đương ngủ triền miên. Người ta gọi công chúa là Đóa Hồng. Thỉnh thoảng các Hoàng tử nghe kể chuyện định chui qua bụi vào lâu đài nhưng không nổi vì bụi gai như có tay, nắm chặt họ lại khiến họ bị mắc nghẽn. Năm tháng trôi qua đã nhiều. Một hôm lại có một Hoàng tử tới nước này. Chàng nghe một ông lão kể lại là trong tòa lâu đài sau bụi gai có nàng công chúa tên là Đóa Hồng ngủ triền miên đã được trăm năm. Vua, hoàng hậu và cả triều đình cũng đều ngủ cả. Ông lão còn bảo là theo lời tổ phụ để lại thì đã có nhiều Hoàng tử tìm cách chui qua bụi rậm nhưng bị mắc lại ở đấy. Chàng liền bảo: - Tôi không sợ, tôi muốn chui vào tìm nàng Đóa Hồng xinh đẹp. Ông lão hết sức can ngăn, chàng nhất định không nghe. Thời hạn trăm năm đã qua. Đã đến lúc Đóa Hồng tỉnh giấc. Hoàng tử đến gần bụi gai thì chỉ thấy toàn những đóa hoa to tươi đẹp tự động giãn lối để chàng khỏi bị thương. Chàng đi rồi thì bụi cây khép lại. Ở sân lâu đài, chàng thấy ngựa và những con chó lốm đốm đang nằm ngủ. Chim bồ câu rũ đầu vào cánh đậu trên mái nhà. Chàng vào cung thì thấy ruồi bậu trên tường ngủ, bác đầu bếp còn giơ tay như định tóm lấy chú phụ bếp. Còn cô hầu gái thì đương ngồi làm lông con gà đen. Chàng đi vào cung điện chính thì thấy cả triều đình đều ngủ. Chàng lại tiếp tục đi. Im lặng như tờ. Có thể nghe thấy hơi thở của chàng. Sau chàng tới một tòa lầu, mở cửa vào một phòng nhỏ là nơi Đóa Hồng đang ngủ. Nàng nằm trông đẹp lộng lẫy. Chàng không rời mắt ra được, quì xuống hôn. Chàng vừa đụng môi thì Đóa Hồng mở mắt, nhìn chàng trìu mến. Hai người dắt nhau xuống lầu. Vua, rồi hoàng hậu và cả triều đình đều tỉnh dậy, giương mắt nhìn nhau. Ngựa ngoài sân đứng lên quẫy mình; chó săn nhảy lên ngoe nguẩy đuôi; bồ câu trên mái nhà vươn cổ ngóc đầu nhìn quanh rồi bay qua cánh đồng; ruồi bậu trên tường lại tiếp tục bò; lửa trong bếp bùng lên, chập chờn và đun thức ăn, thịt quay lại xèo xèo, bác đầu bếp tát chú phụ bếp một cái bạt tai làm hắn kêu lên, các cô hầu làm nốt lông gà. Lễ cưới của Hoàng tử và nàng Đóa Hồng được tổ chức linh đình. Hai vợ chồng sống suốt đời sung sướng. Nàng công chúa được Hoàng Tử đánh thức sau giấc ngủ một trăm năm. Lời nguyền độc ác của bà mụ thứ mười ba bị hóa giải, nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc. |
#6
|
|||
|
|||
Bảy con quạ Ngày xưa, có một người sinh được bảy con trai, nhưng không có con gái, cầu mãi cũng chẳng được. Mãi về sau, vợ có mang, bác ta chứa chan hy vọng; quả nhiên đứa con ra đời là con gái. Hai vợ chồng mừng lắm, nhưng đứa con gái lại bé quá. Vì thấy con yếu ớt, bố mẹ định làm phép rửa tội gấp cho con. Bố vội sai đứa con trai chạy ra suối lấy nước. Sáu đứa kia cũng đi theo. Bảy đứa tranh nhau múc nước, cái bình lăn xuống nước. Chúng không biết làm thế nào, không đứa nào dám về nhà. Thấy con mãi không về, bố sột ruột, nói: - Mấy thằng ranh lại mải chơi quên múc nước rồi. Bố sợ con gái nhỡ chết không được chịu phép rửa tội, phát cáu, rủa con: - Ước gì cả bảy thằng hóa ra quạ tất. Vừa nói buông lời thì nghe thấy tiếng vỗ cánh trên đầu và bảy con quạ đen như than bay liệng. Bố đã trót rủa rồi, hối lại không kịp nữa. Hai vợ chồng buồn vì mất bảy đứa con trai, nhưng được an ủi vì thấy đứa con gái quí mỗi ngày một khỏe lên và đẹp ra. Mãi sau cô nghe thấy láng giềng xì xào rằng cô đẹp thật, nhưng vì cô mà bảy anh cô phải khổ, thì cô mới biết rằng cô có anh. Cô buồn rầu, hỏi bố mẹ xem là mình có anh không và các anh nay ra sao. Bố mẹ không thể giấu con được nữa, nói tránh ra rằng đó là lòng trời, và cô sinh ra chẳng có tội gì. Nhưng cô em hàng ngày vẫn bị lương tâm cắn rứt và quyết tâm giải thoát cho các anh khỏi bị phù phép. Cô bứt rứt lắm, trốn nhà ra đi khắp nơi mong tìm ra tung tích các anh để giải thoát các anh bằng mọi cách. Cô chỉ mang theo một chiếc nhẫn nhỏ là vật kỷ niệm của bố mẹ, một cái bánh mì để ăn, một bình nước nhỏ để uống và một chiếc ghế con để ngồi cho đỡ mỏi. Cô đi mãi đi mãi, đi đến tận cùng thế giới. Cô đi tới mặt trời, nhưng mặt trời nóng quá. Cô vội rời mặt trời và chạy đến mặt trăng, nhưng mặt trăng lạnh lẽo quá. Cô vội quay gót, đi tới các vì sao. Các vì sao tiếp cô niềm nở, vì sao nào cũng ngồi trên một cái ghế con. Sao Mai đứng dậy, cho cô một cái xương nhỏ và bảo cô: - Không có cái xương nhỏ này thì con không thể mở được núi thủy tinh là chỗ ở của các anh con. Cô bé cầm lấy cái xương, lấy khăn bọc cẩn thận, rồi đi mãi, đến núi thủy tinh. Cửa núi đóng. Cô cởi khăn tay ra để lấy cái xương, nhưng không thấy nữa. Thế là cô đã đánh mất món quà của vì sao tốt bụng. Làm thế nào bây giờ? Cô muốn cứu các anh mà chìa khóa núi lại mất rồi. Cô bèn rút dao ra, cắt mẩu ngón tay đút vào lỗ khóa. Cô bước vào, thấy một người lùn đi ra, hỏi: - Con đến tìm gì ở đây? - Con tìm các anh con là bảy con quạ. - Bây giờ các ông quạ đi vắng, nhưng nếu con muốn chờ các ông về thì con vào đây. Người lùn sắp bữa ăn tối cho bảy ông quạ vào bảy cái đĩa nhỏ và bảy cái cốc nhỏ. Cô bé ăn ở mỗi đĩa một miếng và uống ở mỗi cốc một hớp. Cô thả cái nhẫn mang theo vào cốc cuối cùng. Chợt cô nghe thấy trên không có tiềng vỗ cánh. Người lùn liền nói: - Các ông quạ đã về đó. Các ông quạ về thật. Mỗi ông đi tìm cốc đĩa của mình để ăn uống. Hết ông nọ đến ông kia hỏi: - Ai đã ăn ở đĩa của tôi? Ai đã uống cốc của tôi? Nhất định có người đụng đến cốc này. Khi con quạ thứ bảy uống hết cốc, thì nó thấy cái nhẫn. Nó nhìn chằm chằm và nhận ra cái nhẫn của bố mẹ, bèn nói: - Cầu Chúa cho em chúng ta ở đây thì chúng ta được giải thoát. Quạ vừa nói xong, cô bé đang đứng nghe sau cửa liền bước vào. Tức thì đàn quạ hóa ra người. Anh em ôm chặt lấy nhau hôn nhau mãi, rồi vui vẻ cùng nhau lên đường về nhà. |
#7
|
|||
|
|||
Sáu người hầu Xưa có một bà hoàng hậu già, vốn là một mụ phù thủy. Mụ sinh được một con gái đẹp vào bậc nhất trên đời. Nhưng mụ vốn chỉ tìm cách hại người nên mụ vẫn bảo: Ai đến cầu hôn cũng phải làm một việc đã, làm được mụ sẽ gả con gái cho, mà làm không xong thì mất mạng. Đã nhiều người chỉ vì mê nhan sắc phải liều thân nhưng làm chẳng nổi các việc mụ giao đành chịu quì gối rơi đầu. Có vị hoàng tử nghe đồn về sắc đẹp của người con gái ấy, tâu vua cha: - Cha cho con đi cầu hôn thử. Vua khuyên hoàng tử: - Không khi nào cha ưng đâu con ạ. Con đi là đi vào cõi chết đấy! Hoàng tử ốm tương tư nằm liệt giường suốt bảy năm không thầy thuốc nào chữa được. Vua thấy đã tuyệt vọng, buồn lắm, bảo con: - Thôi thế con cứ đi mà cầu may vậy. Cha cũng chẳng còn cách nào khác để giúp con nữa. Hoàng tử nghe cha nói, đứng dậy ngay. Chàng thấy trong người lại khỏe và hớn hở lên đường. Một hôm chàng đang phi ngựa qua cánh đồng hoang, bỗng thấy ở xa lù lù một vật gì tựa đống cỏ lớn. Lại gần nhìn kỹ, hóa ra đấy là bụng một anh chàng đang nằm dài dưới đất. Cái bụng ấy bằng quả núi con. Gã béo thấy có người phi ngựa đến vội đứng lên thưa: - Nếu như ngài cần người, tôi xin theo hầu. Hoàng tử đáp: - Cồng kềnh như ngươi, ta biết dùng làm gì đây? Gã béo nói: - Thưa, chưa thấm vào đâu, tôi mà phình người ra thật sự, còn lớn gấp ba ngàn lần nữa. Hoàng tử bảo: - Nếu quả như thế thì có cơ dùng được. Ngươi đi với ta. Gã béo đi theo hoàng tử. Lúc sau, lại thấy một người nằm dài dưới đất ghé tai sát mặt cỏ. Hoàng tử hỏi: - Ngươi làm gì thế? Người ấy đáp : - Tôi đang lắng nghe. - Nghe gì mà chăm chú thế? - Nghe xem trên thế gian mới có chuyện gì xảy ra. Chẳng có gì lọt được khỏi tai tôi. Đến tiếng cỏ mọc tôi cũng nghe thấy. Hoàng tử bảo: - Thế ngươi thử nói xem, ngươi đã nghe thấy gì trong triều của bà hoàng hậu già có cô con gái đẹp nhất đời ấy? Gã đáp: - Tôi nghe có tiếng gươm chém soàn soạt: hẳn có kẻ đến cầu hôn bị chặt đầu. Hoàng tử bảo gã: - Đi với ta, có thể ta cần đến ngươi. Ba người cùng đi. Lúc sau, họ thấy như có hai bàn chân ai ở trước mặt họ. Họ thấy cả bắp chân nhưng không nhìn được suốt hết. Họ lại đi một quãng đường nữa mới trông thấy thân người, rồi đi mãi mới trông thấy đầu. Hoàng tử thét lên: - Chao ôi! Người đâu mà dài quá! Gã người dài đáp: - Nào đã thấm vào đâu! Tôi mà vươn ra thật sự thì còn dài đến gấp ba ngàn lần nữa, cao hơn quả núi cao nhất thế giới. Nếu người cần hỏi tôi, tôi xin theo hầu. Hoàng tử bảo gã: - Đi với ta, có thể ta cần đến ngươi. Họ đi một quãng, thấy có người hai mắt bịt chặt ngồi bên lề đường. Hoàng tử hỏi: - Mắt ngươi hỏng hay sao mà không dám nhìn ra ánh sáng thế? Gã đáp: - Không phải đâu! Tôi không dám gỡ khăn bịt mắt chính là vì nhãn quang mạnh lắm. Tôi đã nhìn vật gì, vật ấy ắt nổ tung. Nếu người dùng được tôi, tôi xin theo hầu. Hoàng tử bảo gã: - Đi với ta, có thể ta cần đến ngươi. Họ lại đi và thấy một người đang nằm sưởi giữa nắng mà cứ run cầm cập, tay chân lẩy bẩy. Hoàng tử hỏi: - Trời đang nóng ngội ngạt mà sao người lại rét được? Gã đáp: - Trời ơi, cơ thể tôi nó rất lạ. Người ta càng thấy bức thì tôi càng thấy rét, rét thấu xương thấu tủy. Ngược lại trời càng giá thì tôi càng thấy oi bức. Tôi ngồi giữa đồng bằng mà thấy oi bức không chịu nổi. Lúc ngồi giữa đống lửa mà thấy rét không chịu nổi. Hoàng tử bảo: - Thật là người kỳ dị! Ngươi có muốn theo ta thì đi với ta. Họ lại đi tiếp và gặp một người đang vươn cổ mà dòm qua các chỏm núi. Hoàng tử hỏi: - Ngươi làm gì mà hăng thế? Gã bảo: - Tôi có cặp mắt rất sáng, nhìn thấu mọi núi cao, rừng rậm, đồng ruộng, lũng sâu, có thể thấy khắp cả thế gian. Hoàng tử bảo gã: - Nếu ngươi thuận thì đi với ta. Ta đang thiếu người có tài ấy. Hoàng tử đem sáu người hầu đến thẳng thành đô, chỗ mụ hoàng hậu già ngự trị. Chàng không để lộ tung tích, chỉ nói: - Nếu người định gả con gái cho tôi thì sai gì tôi cũng làm. Mụ phù thủy thấy chàng đẹp trai, thế mà sa vào tay mụ thì mừng lắm. Mụ bảo: - Tao sẽ giao cho mày ba việc, làm được cả thì ta gả con cho. Chàng hỏi: - Việc thứ nhất là việc gì? - Trước tao có đánh rơi xuống Hồng Hải mất một cái nhẫn, mày đi tìm về cho tao. Hoàng tử lẻn về bảo sáu người hầu: - Việc thứ nhất không dễ đâu, ta phải tìm một cái nhẫn rơi ở Hồng Hải, biết làm sao bây giờ? - Để tôi xem nó chỗ nào? - Gã mắt sáng nói. Gã ngó một lúc rồi nói: - Kia rồi! Nó bị mắc trên một mũi đá ngầm. Gã người dài lưng nói: - Tôi lấy được ngay, chỉ tiếc chưa nhìn thấy. Gã béo hét: - Chỉ cần thế thôi à? Gã nằm phục xuống, ghé miệng sát mặt nước. Sóng biển xô nhau vào một hang ngầm. Gã uống một hơi dài cạn sạch nước, còn trơ đáy biển ráo khô như bãi cỏ. Lúc ấy, gã người dài mới cúi xuống, gã chỉ hơi nghiêng mình đã nhặt được nhẫn. Hoàng tử cầm nhẫn, mừng lắm, mang ngay về cho mụ già. Mụ kinh ngạc quá, kêu: - Ừ, đúng cái nhẫn này rồi! Rồi mụ nói tiếp: - Việc thứ nhất may mắn đã xong, nhưng còn việc nữa. Mày có thấy ba trăm con bò mộng đang ăn cỏ ở ngoài bãi trước lâu đài không? Mày phải ăn được bằng hết ba trăm con bò ấy, phải ngốn cả da, lông, xương, sừng. Dưới hầm có ba trăm thùng rượu vang, mày cũng phải nốc cho bằng cạn. Không được để sót một sợi lông bò, một giọt rượu. Bằng không, mày sẽ không còn được hoàn mạng. Hoàng tử hỏi: - Liệu tôi có được mời bạn cùng ăn không? Ăn uống thiếu bạn phỏng còn thú vị gì. Mụ già cười nham hiểm: - Cho mày mời một đứa bạn, nhưng chỉ được một đứa thôi. Hoàng tử ra tìm sáu người hầu và bảo gã béo: - Hôm nay ngươi là khách của ta, cứ việc ăn thật no nhé. Gã béo căng bụng ăn một lúc hết sạch đàn bò ba trăm con, đến sợi lông cũng không còn. Ăn xong gã còn hỏi liệu sau bữa điểm tâm ấy có gì nữa không. Gã tu cạn mấy trăm thùng rượu, chẳng cần rót ra cốc, chẳng bỏ sót một giọt. Bữa ăn đã xong, Hoàng tử vào báo cho mụ già biết. Mụ kinh ngạc lắm, bảo: - Chưa có đứa nào làm được thế, nhưng còn việc nữa. Mụ nghĩ bụng: "Đằng nào rồi mày cũng mất đầu, thoát khỏi tay ta sao được". Mụ hẹn: - Tối nay, tao sẽ cho con gái vào phòng mày. Mày phải ôm nó mà ngồi suốt đêm, cấm ngủ. Đúng nửa đêm, tao sẽ đến xem. Nếu lúc ấy mày buông tay ra rồi, tức là mày thua cuộc. Hoàng tử nghĩ thầm: “Khó gì việc này, ta thức được”. Nhưng chàng vẫn gọi các người hầu vào, nói cho họ biết và bảo: - Ai biết mưu sâu của nó thế nào! Cẩn thận vẫn hơn, các ngươi hãy thức canh và phải chú ý, chớ để nàng ra khỏi phòng. Tối, mụ già đưa con lại, giao tận tay hoàng tử. Gã người dài vội nằm khoanh lại thành một cái vòng quanh hai người, còn gã béo đứng cạnh ngay trước cửa. Họ tưởng thế là chắc, không ai lọt vào nổi. Hai người ngồi trong, cô gái chẳng nói một câu nhưng nhờ ánh trăng rọi chếch qua cửa sổ soi tỏ khuôn mặt cô nên Hoàng tử vẫn thấy được dung nhan tuyệt vời ấy. Chàng cứ ngắm hoài, yêu thương, mừng rỡ tràn đầy, không hề thấy mỏi mắt. Khoảng mười một giờ khuya, mụ già niệm chú cho mọi người thiếp đi, rồi mụ hóa phép cướp người con gái. Họ thiếp đi cho đến tận mười một giờ bốn lăm. Khi ấy yêu thuật hết linh nghiệm mọi người tỉnh dậy. Hoàng tử kêu: - Vạ đến nơi rồi! Ta thua cuộc rồi! Mấy người trung thành cũng bắt đầu than thở, bỗng gã thính tai bảo: - Im nào, để tôi xem nào! Gã lắng tai nghe một lúc rồi bảo: - Cô ấy đang ngồi than thân trong một quả núi đá, cách đây ba trăm giờ đi bộ. Cậu người dài là người duy nhất làm nổi việc này: cậu cứ duỗi dài người ra thì chỉ cần bước dăm bước là đến nơi. Gã người dài bảo: - Được, nhưng cậu mắt sắc phải đi với tớ, ta sẽ cùng dọn quả núi ấy đi. Nói đoạn, gã xốc luôn gã bịt mắt lên vai và chỉ trong nháy mắt, chưa kịp trở bàn tay hai gã đã đứng trước quả núi yểm bùa. Gã người dài vội tháo cái khăn bịt mắt gã kia. Gã kia mới trừng mắt, cả quả núi đã nổ tan ra ngàn vạn mảnh. Gã người dài vội bế bổng cô thiếu nữ lên và chỉ trong nháy mắt, gã đã về đến nơi. Gã lại đi đón nốt bạn về, cũng nhanh như thế. Trước khi đồng hồ điểm mười hai tiếng, họ đã ngồi lại cả ở đó, tỉnh táo và hớn hở. Đúng nửa đêm, mụ già rón rén bước lại. Vẻ mặt mụ kiêu kỳ như muốn bảo: "Giờ thì mày ở trong tay tao rồi". Mụ cứ tưởng con gái vẫn còn ngồi trong núi cách đây ba trăm dặm. Ngờ đâu mụ thấy con vẫn ngồi nguyên trong tay hoàng tử. Mụ kinh hãi quá, kêu: - Thằng này thật cừ hơn ta! Mụ còn biết nói sao nữa, đành phải gả con gái cho Hoàng tử nhưng mẹ khẽ rỉ tai con: - Thật là nhục cho con, không kiếm được tấm chồng tương xứng, để từ nay cứ phải vâng theo một đứa thường dân. Người con gái bị tổn thương lòng kiêu kỳ sinh căm giận, nghĩ cách báo thù. Sáng hôm sau, nàng sai chở ba trăm thước gỗ đến rồi nói với hoàng tử: "Mặc dầu ba việc đã làm xong, ta sẽ chỉ lấy chàng khi nào có kẻ dám ngồi giữa đống gỗ cháy mà chịu được lửa". Nàng nghĩ chẳng kẻ hầu nào chịu thiêu mình vì chủ đâu và vì yêu nàng tất chàng sẽ phải đích thân ngồi vào, thế là nàng thoát. Sáu người hầu bàn nhau: "Bọn mình ai cũng đã được một việc, chỉ có cậu rét run chưa làm gì, giờ đến lượt cậu ấy". Họ đã khiêng gã rét run lên đống gỗ rồi đốt lửa. Lửa cháy suốt ba ngày, cả đống gỗ ấy ra tro. Nhưng lửa vừa mới lụi đã thấy người rét run đứng dậy giữa đống tro run rẩy như tầu lá mà bảo. - Đời tôi chưa khi nào thấy rét như thế này, rét thêm tý nữa chắc là chết cóng mất! Người con gái đẹp không còn kế nào khác, đành nhận lời lấy chàng trai lạ mặt. Nhưng lúc họ lên xe ra nhà thờ làm lễ cưới, mụ già lại nói: - Tao không chịu được cái nhục này! Mụ sai binh tướng đuổi theo, hạ lệnh chúng phải giết sạch và đem bằng được con gái về cho mụ. Không ngờ gã thính tai nghe được cả những lời dặn dò kín đáo ấy. Gã hỏi gã béo: - Làm thế nào đây? Nhưng gã này đã có kế rồi, gã nhổ ngay nước biển đã uống khi trước, mới nhổ vài bãi đã thành cái hồ lớn chặn đường cỗ xe. Đám binh tướng của mụ già không sao tiến được và bị chết đuối rất nhiều. Mụ già biết tin lại cho một đội giáp binh nữa đuổi theo. Nhưng gã thính tai đã kịp nghe thấy tiếng đồ binh giáp va nhau lách cách. Gã giật cái khăn bịt mắt gã mắt sắc. Gã này mới chỉ hơi trừng mắt, quân thù đã tan tành như mớ thủy tinh vụn. Đoàn người yên chí đánh xe đi tiếp. Khi cặp vợ chồng vào nhà thờ làm phép cưới đã xong, sáu người hầu nói với chủ: - Giờ Người đã toại nguyện, không cần đến chúng tôi nữa. Chúng tôi xin đi nơi khác tìm vận hội. Ở trước cung điện của hoàng tử, cách độ một nửa giờ đi bộ, có một cái thôn nhỏ. Lúc họ đi ngang đấy, thấy một người đang chăn lợn ngoài thôn. Hoàng tử bảo vợ: - Nàng có biết thật ta là ai không? Ta không phải là con vua đâu mà chỉ là con của một người chăn lợn. Người chăn lợn kia chính là cha ta đấy. Rồi đôi ta cũng sẽ phải giúp cha một tay. Nói đoạn, chàng xuống xe. Dắt ngang vào quán trọ. Chàng rỉ tai bảo kẻ hầu trong quán, đợi đêm lấy trộm quần áo sang trọng của hai người đi. Sáng hôm sau, lúc hai người thức dậy, quần áo mất sạch chẳng còn gì mặc. Mụ chủ cầm vào cho nàng một cái áo cũ với đôi tất đen cũng đã cũ. Mụ còn làm như món quà lớn lắm, mụ bảo: - Không có chồng cô, tôi chẳng cho cô tí gì đâu! Nàng lại càng tin: "Đúng chồng mình chỉ là anh chăn lợn". Nàng cũng đi chăn lợn với chồng và nghĩ bụng: "Cũng là đáng đời mình, cứ hay kiêu kỳ ngạo nghễ". Như thế được tám hôm, chân nàng đau nhức quá không thể chịu được nữa. Khi ấy có một người đến hỏi nàng có biết chồng nàng là ai không. Nàng đáp: - Có chứ! Là anh chàng chăn lợn. Nhà tôi vừa ra xong, hình như đi mua dây bán rợ gì đấy. Nhưng mấy người nọ bảo: - Lại đằng này đi, chúng tôi sẽ đưa chị đến nơi. Họ dẫn nàng lên cung điện. Lúc nàng vào đến phòng lớn thì chồng nàng đã ở đấy, mình khoác hoàng bào, nhưng nàng không nhận ra. Mãi đến lúc chồng bá cổ hôn nàng mới biết. Chàng bảo: - Ta chịu khổ vì em đã nhiều, nên em cũng cần chịu khổ vì ta. Đám cưới được tổ chức ngay và người kể chuyện này cũng rất muốn đến dự. |
#8
|
|||
|
|||
Người thợ săn tài giỏi Xưa có một gã con trai học nghề thợ khóa. Một hôm anh thưa cha, muốn ra ngoài thiên hạ để thi thố tài năng. Người cha bảo: - Được con ạ, cha cũng bằng lòng thôi. Ông đưa con lên đường và cho con một ít tiền. Anh con trai đi tìm việc làm. Nhưng chỉ ít lâu sau, anh thấy chán nghề và thích đi săn. Đang lang thang, anh gặp một bác thợ săn mặc quần áo màu lục, hỏi anh từ đâu đến và định đi đâu. Anh bảo anh là thợ khóa, giờ không thích nghề ấy nữa, muốn học săn bắn, không biết bác có sẵn lòng nhận anh làm học trò không. Bác thợ săn đáp: - Ồ, có chứ! Nếu chú thích thì cứ đi với tôi. Anh đi theo, ở với bác mấy năm liền và được bác truyền nghề cho. Ít lâu sau, anh lại xin đi để tìm dịp thử tài. Bác thợ săn trả công cho anh một khẩu súng hơi. Súng này đặc biệt là bắn gì trúng nấy. Anh đến chỗ kia có khu rừng rậm, đi cả ngày vẫn chưa hết. Tối đến, để tránh thú dữ, anh leo ngồi trên ngọn cây cao. Khoảng nửa đêm, anh thấy ở xa có ánh lửa le lói. Anh nhìn kỹ qua đám cành lá, cố nhớ chỗ ấy. Anh lại lấy mũ ném về phía ánh lửa, đánh dấu đường. Xong anh tụt xuống nhặt mũ rồi cứ hướng ấy thẳng đường đi tới. Càng đi tới, ánh lửa càng rõ. Lúc đến gần, anh thấy một đống lửa rất to, ba gã khổng lồ đương xiên một con bò nướng. Bỗng một gã bảo: - Tớ phải nếm xem sắp chín chưa. Gã xé một miếng, sắp đưa vào miệng thì bị anh thợ săn bắn một phát, thịt văng đi mất. Gã nói: - Ôi chao, thế mà gió cũng thổi bay được miếng thịt mình cầm đấy! Gã xé miếng khác. Gã ghé răng vừa định cắn, lại bị anh thợ săn bắn luôn phát thứ hai, thịt văng mất nốt. Gã cáu quá, tát gã ngồi bên quát: - Cậu giằng của tớ à? Gã kia cãi: - Tớ có giằng đâu, chắc tay thiện xạ nào bắn văng đi đấy. Gã khổng lồ xé miếng thịt thứ ba, nhưng gã cầm chưa chắc tay đã lại bị bắn văng luôn nốt. Mấy gã bảo nhau: - Người bắn rơi miếng ăn của ta nhất định phải là tay thiện xạ. Thật là cần được một người như thế! Cả ba gã gọi ầm ĩ: - Này nhà thiện xạ ra đi nào! Ra đây sưởi ấm ăn no, bọn tớ không làm gì cậu đâu! Nhưng nếu cậu không chịu ra, để bọn tớ phải đi tìm thì lúc ấy xong đời cậu. Anh bèn bước ra, nói anh là tay thợ săn lành nghề, bắn gì trúng nấy. Chúng bảo nếu anh muốn đi với chúng, chúng sẽ cho đi. Chúng kể cho anh biết, ở trước cửa rừng có một nàng công chúa xinh đẹp, chúng đang muốn cướp nàng ấy. Anh nói: - Được, việc ấy dễ thôi! Chúng lại bảo: - Nhưng còn điều này: ở đấy có con chó nhỏ, cứ thấy người đến gần là nó sủa. Mà hễ nó sủa là kinh động cả triều đình. Cậu có bắn chết con chó ấy được không? Anh bảo: - Được chứ, có khó gì cái trò mọn ấy. Sau đó anh xuống thuyền qua sông. Lúc thuyền vào gần bờ, con chó chạy ra định sủa. Anh bắn nó chết ngay. Bọn khổng lồ thấy thế mừng lắm, chắc mẩm phen này sẽ cướp được công chúa. Nhưng anh muốn vào xem tình hình ở trong động tĩnh thế nào đao. Anh bảo chúng cứ đứng đợi, chờ anh gọi. Anh vào trong lâu đài, thấy thật yên tĩnh. Anh mở cửa phòng đầu tiên, thấy trên tường treo thanh kiếm bạc, có đính ngôi sao vàng và khắc tên vua. Trên bàn cạnh đấy, có lá thư niêm phong gắn xi. Anh xé thư đọc. Thư viết: "Ai lấy được kiếm thì chém ai cũng chết". Anh lấy kiếm đeo rồi lại đi. Sang đến căn phòng công chúa ngủ, thấy nàng đẹp quá, anh nín thở ngắm mãi, bụng nghĩ: "Người con gái ngây thơ thế, sao ta nỡ để vào tay mấy người khổng lồ hung bạo và nham hiểm?". Anh nhìn quanh, thấy một đôi hài dưới gầm giường. Hài bên phải đính một ngôi sao có tên vua. Hài bên trái cũng đính một ngôi sao có tên công chúa. Cổ nàng quấn chiếc khăn lụa lớn thêu kim tuyến, vạt bên phải thêu tên vua với một ngôi sao, vạt bên trái thêu tên nàng với một ngôi sao, chữ vàng rực rỡ. Anh lấy kéo cắt vạt khăn bên phải bỏ túi. Anh bỏ túi cả chiếc hài bên phải thêu tên vua. Trong lúc ấy, người con gái vẫn ngủ say, người như vùi trong áo. Tiện tay anh cắt một mảnh áo đút nốt vào túi kia. Anh làm rất nhẹ nhàng, không động đến người nàng. Xong anh ra đi, để nàng ngủ yên. Lúc anh đến cổng, bọn khổng lồ đợi ở ngoài tưởng anh đem công chúa ra. Anh gọi chúng vào bảo: người thiếu nữ đó ở tay anh rồi. Anh không mở được cổng, nhưng cổng có lỗ hổng, chúng phải chui mà vào. Đợi gã thứ nhất lại, anh túm tóc kéo đầu nó, chặt một nhát, đoạn kéo cả người nó vào trong nốt. Xong anh gọi đứa thứ hai, chặt đầu nó rồi đến đứa thứ ba và rất mừng là cứu được công chúa khỏi tay kẻ thù. Anh xẻo lưỡi mấy đứa, bỏ túi. Khi ấy anh nghĩ bụng: "Hay ta về cho cha biết những việc ta làm đã, rồi ta lại đi quanh thiên hạ, nhất định sẽ gặp vận". Vua ở trong lâu đài thức dậy thấy xác ba đứa khổng lồ, vội chạy sang phòng công chúa hỏi ai đã giết lũ giặc. Công chúa thưa: - Tâu vua cha, con ngủ say nên không biết. Công chúa tỉnh dậy, định mang hài thì chiếc bên phải đã mất. Nàng nhìn khăn thấy mất vạt bên phải, nhìn áo cũng thấy mất một mảnh. Vua cha hội cả triều thần, binh tướng, hỏi ai đã giết lũ khổng lồ, cứu công chua. Có tên đại úy chột mắt, xấu trai đứng ra nhận liền. Vua bèn phán gả công chúa cho gã để thưởng công. Công chúa thưa: - Tâu vua cha, thà con bỏ nhà ra đi, chứ con không thể lấy tên ấy được! Vua truyền nếu nàng không vâng lời thì bắt nàng cởi trả hoàng y, mặc quần áo nông thôn rồi đuổi đi. Nàng phải tới một hàng nồi kia để ngồi bán nồi đất. Công chúa trả hoàng y, đến nhà hàng nồi hỏi mượn trước một số nồi, hẹn chiều bán xong sẽ trả tiền. Vua lại bắt nàng phải dọn hàng ngay ở góc đường. Xong vua thuê mấy chiếc xe, sai đánh chạy qua giữa đám nồi đất cho vỡ hết. Công chúa vừa dọn hàng thì đoàn xe kéo đến, cán vỡ tất. Nàng khóc nói: - Trời ơi, giờ biết lấy gì đền nhà hàng! Vua muốn dùng cách ấy để buộc nàng lấy viên đại úy. Nhưng nàng lại đến hàng nồi, hỏi mượn thêm chuyến hàng nữa. Nhà hàng không chịu, bắt nàng phải nộp lại đủ số tiền lần trước đã. Nàng về kêu khóc với cha, nói nàng muốn đi xa. Vua phán: - Ta sẽ cho dựng một cái lán nhỏ trong rừng, ngươi vào đó mà ở. Ngươi sẽ phải nấu ăn cho bất kỳ ai mà không được lấy tiền. Lán dựng xong, ngoài cửa treo tấm biển đề: "Hôm nay không lấy tiền, mai sẽ lấy". Công chúa đến đấy ở. Tin truyền đi chỗ nọ có người con gái nấu ăn không lấy tiền, biển treo ngoài cửa đề rõ ràng như thế. Tin đồn đến tai anh thợ săn. Anh nghĩ bụng: "Đấy là dịp tốt cho mình, mình nghèo xơ xác, một xu không có". Anh khoác súng, đeo túi đi. Trong túi còn nguyên những thứ đã lấy ở lâu đài làm vật chứng. Vào rừng, anh tìm thấy cái làn có biển đề: "Hôm nay không lấy tiền, mai sẽ lấy". Anh vẫn đeo thanh kiếm dùng để giết ba gã khổng lồ, bước vào xin ăn. Anh mừng rỡ thấy người con gái đẹp quá, cứ như tranh vẽ. Nàng hỏi anh từ đâu lại và định đi đâu. Anh đáp: - Tôi ngao du thiên hạ. Nàng thấy tên cha mình trên đốc kiếm, hỏi anh đã lấy nó ở đâu. Anh hỏi nàng có phải là công chúa không. Nàng đáp: - Đúng. Anh bảo: - Chính tôi ngày ấy đã chặt đầu ba đứa khổng lồ bằng thanh kiếm này. Anh lấy xâu lưỡi trong túi ra làm chứng, lại cho nàng xem cả chiếc hài, vạt khăn và mảnh áo. Nhận ra người cứu mình, công chúa vui mừng khôn xiết. Sau đấy, hai người về gặp vua. Công chúa dẫn vua về phòng riêng của mình ngày trước, đoạn tâu để vua rõ: Chính anh thợ săn mới là người đã cứu mình và giết lũ khổng lồ. Vua thấy vật chứng rành rành, không ngờ gì nữa mới phán: "Giờ mọi sự đã rõ ràng là điều rất tốt. Ta thuận cho chàng thợ săn làm phò mã". Công chúa nghe phán mừng vô hạn. Sau đấy người ta cho anh thợ săn ăn mặc giả làm khách lạ. Vua truyền bày tiệc cưới. Khách vào bàn tiệc, tên đại úy ngồi bên trái công chúa, anh thợ săn ngồi bên phải công chúa. Tên đại úy cứ tưởng anh là khách mời đến. Ăn uống xong, vua phán người có điều muốn hỏi để tên đại úy thử đoán xem: "Có kẻ dám nhận đã giết ba đứa khổng lồ, người ta mới hỏi lưỡi mấy đứa ấy đâu, nó ra tìm thấy đầu lâu không có lưỡi, thì thế nào?" Tên đại úy tâu: - Tất mấy đứa kia không có lưỡi. Vua phán: - Nói sai rồi. Phàm động vật, giống nào lại không có lưỡi. Vua hỏi tiếp: - Với kẻ nói sai, nên xử lý thế nào? Tên đại úy đáp: - Tâu, phải đuổi nó ra ngoài cõi. Vua phán: "Thế là nó tự kết án nó rồi". Người sai đuổi tên ấy ra ngoài cõi. Công chúa lấy anh thợ săn. Phò mã cho đón cha mẹ đến để phụng dưỡng. Cả nhà đoàn tụ êm ấm. Sau khi vua mất, phò mã lên nối ngôi. Câu chuyện kể về anh chàng thợ săn tài giỏi và tấm lòng trung thực của nàng công chúa. Những kẻ gian dối rồi cũng bị lôi ra ánh sáng, người có công, trung thực sẽ được đền bù xứng đáng. |
#9
|
|||
|
|||
Hênxen và Grêten Ngày xưa có hai vợ chồng một bác tiều phu nghèo khó, sống ở ven một khu rừng lớn. Gia đình có hai con. Con trai tên là Hênxen, con gái tên là Grêten. Nhà không đủ ăn. Một năm, trời làm đói kém, miếng bánh hàng ngày cũng chẳng có. Tối hôm ấy, chồng nằm trằn trọc mãi, thở dài bảo vợ: - Chả biết rồi sao đây? Lương thực cạn rồi, lấy gì nuôi con? Đói khổ khiến người mẹ đâm ra nhẫn tâm. Hết đường xoay xở, vợ bảo chồng: - Thầy nó ạ, biết sao đây! Ngày mai, sớm tinh mơ, tôi với nhà đưa chúng vào rừng rậm, đốt lửa lên, cho mỗi đứa một mẩu bánh rồi bỏ chúng đấy mà đi làm. Chúng không biết đường mà về, thế là rảnh. Chồng đáp: - Nhà nó ạ, tôi chịu không làm thế được đâu. Nỡ nào đem bỏ con vào rừng cho thú đói ăn thịt! - Thầy nó thật là điên. Không làm thế thì chết đói cả bốn mạng, chỉ còn việc bào gỗ đóng săng mà thôi. Người vợ lèo nhèo mãi, kỳ đến lúc chồng phải làm theo ý mình. Chồng nói: - Nhưng tôi vẫn thương xót chúng nó lắm! Hai đứa trẻ đói quá không ngủ được, nghe được hết. Grêten khóc sướt mướt, bảo Hênxen: - Anh em mình chết đến nơi rồi. Hênxen đáp: - Em đừng lo buồn, anh sẽ có cách thoát chết. Chờ lúc bố mẹ ngủ rồi, nó dậy mặc áo, mở cửa, lén ra ngoài. Trăng sáng. Sỏi trắng ở trước nhà lóng lánh như bạc. Hênxen nhặt sỏi bỏ đầy túi áo, rồi về nhà bảo Grêten: - Em ơi, cứ yên trí mà ngủ đi. Rồi nó lại đi ngủ. Tang tảng sáng, mặt trời chưa mọc thì mẹ đã đến đánh thức hai con: - Đồ lười! Dậy đi, còn phải vào rừng lấy củi chứ! Rồi mẹ đưa cho mỗi con một mẩu bánh dặn: - Chúng mày cầm lấy mà ăn trưa. Chớ có ăn nghiến ngấu trước, không còn nữa mà cho đâu. Grêten bỏ bánh vào túi áo và Hênxen đã bỏ đá đầy túi rồi. Cả nhà cùng nhau đi vào rừng. Đi được một lát, Hênxen chốc chốc lại dừng lại ngoảnh về mé nhà. Bố thấy vậy bảo: - Hênxen, sao mày cứ lùi lại nhìn gì mãi thế? Liệu đấy, đừng có dềnh dàng. Hênxen đáp: - Con nhìn con mèo trắng của nhà ngồi trên mái từ biệt con đấy. Mẹ nói: - Đồ ngốc! Không phải con mèo đâu, đấy là ống khói phản chiếu ánh mặt trời đấy. Hênxen lùi lại không phải để nhìn mèo, mà cốt để rắc sỏi trắng ra đường. Khi đến giữa rừng, bố nói: - Chúng mày hãy đi nhặt củi, còn bố đốt lửa để chúng mày khỏi rét. Hênxen và Grêten đi nhặt củi khô xếp thành đống. Khi ngọn lửa đã cao, củi cháy nỏ, mẹ nói: - Thôi bây giờ chúng mày nằm gần lửa mà nghỉ. Tao và bố đi đẵn củi, xong sẽ quay về đón. Hai đứa trẻ ngồi bên lửa. Đến trưa, chúng lấy bánh ra ăn. Nghe thấy tiếng bổ vào cây, chúng tưởng bố chúng ở gần đấy. Nhưng không phải tiếng rìu của bố, mà đó chỉ là tiếng cành cây bị gió đập vào cây khô. Chúng ăn xong, mắt díp lại vì mệt, liền ngủ một giấc say. Khi chúng thức dậy thì trời đã tối như mực. Grêten khóc nói: - Bây giờ làm thế nào mà ra khỏi rừng được? Hênxen dỗ em: - Em cứ đợi một lát, chờ trăng lên, chúng mình sẽ tìm được lối về nhà. Khi trăng mọc, Hênxen cầm tay em theo vết sỏi lóng lánh như tiền mới mà lần về nhà. Chúng gõ cửa. Mẹ mở, thấy Hênxen và Grêten liền nói: - Đồ khốn kiếp, sao chúng mày ngủ kỹ ở trong rừng thế? Tao cứ tưởng chúng mày không muốn về nữa. Bố thấy con về thì mừng lắm vì trong thâm tâm bố không muốn bỏ con. Sau đó ít lâu, trời lại làm đói kém khắp nơi. Một đêm hai anh em nghe thấy mẹ nằm trên giường nói với bố: - Mọi thứ lại hết sạch rồi. Chỉ còn có nửa cái bánh ăn nốt là hết nhẵn. Phải tống chúng nó đi. Lần này ta đem bỏ chúng vào rừng sâu hơn trước để chúng không tìm được lối về. Bằng không thì không còn cách nào thoát. Người chồng không đành lòng nghĩ bụng: - Thà chia nhau với con ăn miếng bánh cuối cùng còn hơn. Vợ không nghe, chửi chồng thậm tệ, cho là đã chót thì phải trét, lần trước đã theo ý mụ thì lần này cũng phải theo. Hai đứa trẻ chưa ngủ, nghe hết những chuyện bố mẹ bàn nhau. Khi thấy bố mẹ đã ngủ rồi, Hênxen dậy định ra ngoài nhặt sỏi như lần trước. Nhưng mẹ nó đã khóa cửa mất rồi, nó không ra được. Nó dỗ em gái: - Em ạ, đừng khóc nữa, em cứ ngủ yên đi, anh sẽ có cách. Sáng sớm tinh mơ, mẹ kéo cổ chúng dậy, cho mỗi đứa một mẩu bánh bé hơn lần trước. Dọc đường đi đến rừng, Hênxen cho tay vào túi bẻ vụn bánh mì ra và chốc chốc lại dừng lại rắc bánh xuống đất. Bố hỏi Hênxen: - Sao mày cứ hay dừng chân ngoảnh lại thế? Đi đi. Hênxen đáp: - Con nhìn con chim bồ câu của con nó đậu trên mái nhà để chào con kia kìa. Mụ đàn bà nói: - Đồ ngốc, không phải là chim bồ câu đâu mà là cái ống khói có mặt trời chiếu vào đấy. Dù sao, dọc đường, Hênxen cũng rắc được hết bánh. Mụ đàn bà dẫn hai con vào tít chỗ rừng sâu mà từ thủa cha sinh mẹ đẻ mụ chưa tới bao giờ. Sau khi đốt lửa cháy to lên, mụ nói: - Chúng mày ngồi đó. Lúc nào mệt thì ngủ đi một tí. Tao với bố mày đi đẵn gỗ, chiều tối xong sẽ quay lại đón chúng mày. Đến trưa Grêten chia bánh cho anh vì bánh của anh đã rắc ở dọc đường rồi. Ăn xong, chúng ngủ. Tối đến, chẳng ai đến đón hai đứa bé đáng thương cả. Đêm tối như mực, hai đứa thức giấc, Hênxen dỗ em gái: - Em ạ, chờ cho trăng lên, trông rõ bánh anh đã rắc, thì ta lại tìm thấy đường về. Trăng vừa mọc lên thì hai đứa đứng dậy đi, nhưng chẳng thấy tí bánh nào vì hàng ngàn con chim trong rừng đã ăn mất cả rồi. Hênxen bảo em: - Thế nào rồi chúng ta cũng sẽ tìm được đường. Nhưng chúng không tìm ra đường. Chúng đi suốt cả đêm, suốt cả ngày hôm sau, mà không ra được khỏi rừng. Hai anh em bụng đói như cào mà chỉ nhặt được ít quả dại ở dưới đất. Chúng mệt quá, bước không nổi, nằm lăn ra ngủ dưới gốc cây. Chúng xa nhà đã ba ngày rồi. Chúng lại đi, đâm sâu mãi vào rừng, và nếu không gặp ai cứu giúp thì đến chết đói, chết mệt thôi. Giữa trưa, chúng thấy một con chim đẹp, trắng như tuyết đậu trên cành hót hay lắm. Chúng liền dừng lại để nghe. Chim hót xong xòe cánh bay trước mặt chúng. Chúng theo chim đến tận một túp nhà con; chim đến đậu trên mái nhà ấy. Chúng lại gần thấy nhà xây bằng bánh mì, lợp bằng bánh ngọt, cửa sổ bằng đường trắng tinh. Hênxen nói: - Thôi ổn rồi. Chúng ta được bữa ăn ngon đấy. Anh ăn một góc mái nhà, còn em ăn một mảnh cửa sổ, ngọt đấy. Hênxen giơ tay bẻ một mảnh mái nhà để nếm thử và Grêten đứng bên cửa kính nhấm nháp một mảnh. Bỗng trong nhà có tiếng người nhẹ nhàng vọng ra: - Ai gặm nhà ta đấy? Hai đứa trẻ đáp: - Gió đấy! Gió đấy! Con trời đấy! Rồi hai đứa cứ việc ăn, không e ngại gì cả. Hênxen thích ăn mái nhà, bẻ một miếng tướng, và Grêten cũng gỡ lấy cả một khung kính tròn xuống. Bỗng cửa mở, một bà lão bé nhỏ chống nạng rón rén bước ra. Hai anh em sợ rụng rời, đánh rời hết cả các thứ cầm trong tay. Bà lão lắc lư đầu, nói: - Các cháu yêu dấu, ai đưa các cháu đến đây? Các cháu đừng sợ, cứ vào. Ở đây với bà, bà không làm gì đâu. Bà lão dắt hai đứa vào, cho ăn ngon: sữa, bánh tráng đường, táo và hạnh đào. Rồi bà sửa soạn hai cái giường nhỏ xinh đẹp trắng tinh cho hai đứa trẻ ngủ. Hai đứa bé ngỡ là ở trên thiên đàng. Nhưng mụ già chỉ giả bộ tử tế ngoài mặt đó thôi. Đó là một mụ phù thủy gian ác rình bắt trẻ con nên làm nhà bằng bánh kẹo để nhử chúng. Khi thấy hai đứa bé vừa tới, mụ đã cười nham hiểm mà nói đùa: - Chúng mày vào tay bà rồi, có bay lên trời cũng chẳng thoát được tay bà. Sáng sớm, mụ dậy trước hai đứa, thấy chúng ngủ thật đáng yêu, má hồng phinh phính, mụ lẩm bẩm: - Thật là món ngon. Mụ đưa đôi tay khô héo ra nắm lấy Hênxen đem nhốt vào một cái cũi nhỏ, đóng cửa chấn song lại. Thằng bé kêu gào mãi mụ cũng mặc kệ. Rồi mụ đánh thức Grêten dậy bảo: - Đồ con gái lười chảy thây, đi dậy lấy nước làm một bữa ngon cho anh mày. Nó ở trong cũi kia, tao muốn nó chóng béo. Khi nào nó thực béo, tao sẽ ăn thịt. Grêten khóc thảm thiết, nhưng nào có ích gì, vì mụ phù thủy sai gì phải làm nấy. Hênxen được ăn thức ăn nấu nướng ngon lành còn Grêten phải ăn thừa. Sáng nào mụ già cũng lê đến bên cũi bảo Hênxen: - Giơ ngón tay tao xem đã béo chưa. Hênxen chỉ đưa cho mụ xem một cái xương nhỏ. Mắt kém, mụ tưởng đó là ngón tay thật, lấy làm lạ sao không thấy béo. Được một tháng vẫn không thấy Hênxen béo lên chút nào mụ đâm ra sốt ruột, không muốn chờ nữa. Mụ gọi Grêten: - Con Grêtên đâu? Nhanh lên, đem nước lại đây, thằng Hênxen dù béo hay gầy, ngày mai tao cũng cứ làm thịt đem nấu. Khốn nạn con bé vừa xách nước vừa khóc, nước mắt dòng dòng hai má. Nó kêu la: - Lạy trời phù hộ cho chúng con. Thà để thú dữ ăn thịt trong rừng thì hai anh em cũng được cùng nhau chết. Mụ già bảo: - Thôi đừng kêu khóc nữa mà vô ích. Mới bảnh mắt, Grêten đã phải đặt nồi, lấy nước và dóm bếp. Mụ già bảo: - Hãy nướng bánh trước đã. Tao đã dóm lò và nhào bột rồi. Mụ đẩy Grêten đáng thương tới bên lò. Ngọn lửa trong lò đã bắt đầu bốc lên. Mụ già bảo: - Mày bò vào lò xem đủ nóng chưa, để cho bánh vào nướng. Mụ định khi Grêten vào lò rồi thì đóng nắp lại, quay ăn một thể. Nhưng Grêten biết ý nói: - Cháu không biết làm thế nào mà vào được. Mụ già nói: - Đồ ngu như bò, lò có cửa khá rộng cơ mà. Trông đây này, tao vào cũng còn lọt nữa là mày. Mụ lại gần lò và thò đầu vào. Grêten liền đẩy mạnh mụ vào, đóng cửa sắt lại, rồi cài then ở ngoài. Mụ già rú lên khủng khiếp nhưng Grêten đã bỏ chạy để mặc mụ chết thiêu. Em chạy thẳng đến cũi vừa mở cửa cho anh vừa reo: - Anh ơi, anh em ta thoát rồi, con mụ phù thủy đã chết rồi. Cửa vừa mở thì Hênxen nhảy ra như con chim trong lồng được thả. Hai anh em vui mừng, ôm nhau hôn. Bây giờ chúng không còn sợ gì nữa, chúng đi xem nhà mụ già thì thấy ở xó nào cũng có những hòm đầy ngọc. Hênxen vừa ních đầy túi vừa nói: - Của này quí hơn sỏi. Còn Grêten nói: - Em cũng phải lấy về nhà mới được. Lấy đầy túi rồi, em nói: - Bây giờ hai anh em ta đi ra khỏi khu rừng của mụ phù thủy đi. Đi được vài giờ, chúng đến bên một cái đầm lớn. Hênxen nói: - Anh không thấy có cầu, qua sao được? Grêten bảo: - Một chiếc thuyền nhỏ cũng chẳng có. Nhưng kia có vịt trắng đang bơi, để em nhờ nó giúp. Rồi em bảo vịt rằng: - Vịt ơi vịt, Grêten và Hênxen đây. Kè chẳng có, cầu cũng không. Hãy cõng anh em tôi qua với. Vịt đến. Hênxen cưỡi lên lưng vịt và bảo em lên ngồi cạnh mình. Em đáp: - Thôi anh ạ, ngồi thế nặng quá. Để vịt cõng từng người một. Vịt tốt bụng cõng làm hai chuyến. Đến bờ bên kia, hai anh em nhận dần ra đường lối trong rừng quen thuộc, và nhìn thấy nhà ở đằng xa. Chúng liền chạy ba chân bốn cẳng, nhảy bổ vào nhà, ôm ghì lấy cổ bố mẹ. Từ ngày bỏ con trong rừng, bố mẹ không lúc nào vui. Grêten dốc túi ngọc xuống đất và Hênxen thò tay vào túi lấy ra từng nắm ngọc. Từ đó, cả nhà hết lo và cùng nhau sống một cuộc đời hạnh phúc. |
#10
|
|||
|
|||
Ong chúa Ngày xửa ngày xưa, có hai Hoàng tử đi phiêu lưu, sống lang bạt không về nhà nữa. Người em út, thường gọi là "Chú Ngốc", lên đường đi tìm hai anh. Tìm mãi gặp hai anh thì chàng ta lại bị hai anh giễu cợt: khôn ngoan như chúng tao mà còn chẳng đi đến đâu, huống hồ là cái thứ mày ngốc nghếch thế mà cũng đòi đua chen với đời. Ba anh em cùng đi thì gặp một tổ kiến. Hai anh muốn phá đi xem trong khi hoang mang kiến bò đi lung tung ra sao và tha trứng đi như thế nào. Nhưng chú Ngốc nói: - Xin các anh để chúng yên thân, em không để các anh quấy nhiễu chúng đâu. Ba anh em lại đến một cái hồ đầy vịt đang bơi. Hai anh muốn bắt một đôi làm thịt ăn, nhưng chú Ngốc không chịu: - Xin các anh để chúng yên thân, em không để các anh quấy giết chúng đâu. Ba anh em lại đến một tổ ong đầy mật chảy rào cả ra ngoài thân cây. Hai anh muốn đốt lửa ở gốc cây hun cho ong chết để lấy mật, nhưng chú Ngốc ngăn lại, nói: - Xin các anh để chúng yên thân, em không để các anh hun chúng đâu. Ba anh em đi mãi đến một lâu đài vắng tanh, chỉ có ngựa bằng đá ở trong chuồng chứ không thấy một bóng người nào. Họ dạo qua tất cả các phòng, đến trước một cái cửa đóng có ba khóa. Giữa cửa có đục một cửa sổ nhỏ, qua đó có thể dòm vào trong buồng được. Họ trông thấy một người bé nhỏ, tóc hoa râm, ngồi trước một cái bàn. Họ gọi một lần, hai lần, nhưng người ấy không thưa. Họ gọi đến lần thứ ba thì người ấy đứng dậy mở cửa đi ra. Người ấy chẳng nói chẳng rằng, dẫn họ đến trước một cái bàn bày la liệt thức ăn. Khi họ đã ăn uống xong rồi, người ấy dẫn mỗi ông hoàng vào một buồng ngủ riêng. Sáng hôm sau, người ấy vào buồng người anh cả, dẫn anh ta đến một cái bảng đá trên có ghi ba việc phải làm để giải thoát cho lâu đài bị phù phép. Việc thứ nhất là vào rừng, tìm ở dưới đám rêu một nghìn viên ngọc của công chúa. Nếu trước khi mặt trời lặn mà không tìm được đủ số ngọc thì người đi tìm sẽ biến thành đá. Người anh cả đi tìm nhưng tìm một ngày chỉ được có một trăm viên ngọc. Thế là anh ta hóa đá. Hôm sau đến lượt người anh thứ hai đi tìm ngọc. Anh ta cũng không hơn gì anh cả mấy, chỉ tìm được có hơn hai trăm viên ngọc và cũng hóa đá. Sau cùng đến lượt chú Ngốc đi mò ngọc dưới rêu. Tìm ngọc đâu phải là dễ, công việc chậm chạp lắm. Chú ngồi khóc trên một tảng đá. Bỗng Chúa kiến mà chú đã cứu thoát trước kia cùng với năm nghìn kiến quân, đến giúp chú, tìm đủ số ngọc trong chốc lát và xếp thành đống. Việc thứ hai là mò ở đáy bể lên cái chìa khóa buồng ngủ của công chúa. Chú Ngốc vừa đến bờ bể thì tức khắc đàn vịt mà chú đã cứu bơi lại gần chú, lặn xuống nước và mò chìa khóa lên. Việc thứ ba khó nhất: phải tìm ra trong ba công chúa đang ngủ cô nào ít tuổi nhất và đáng yêu nhất. Ba nàng công chúa đều giống nhau như đúc, chỉ khác nhau ở chỗ, trước khi ngủ ba nàng ăn thức ngọt khác nhau: cô nhớn ăn một thìa đường, cô thứ hai uống một hớp nước đường, cô thứ ba uống một thìa mật ong. Ong Chúa mà chú Ngốc đã cứu thoát khỏi ngọn lửa đến giúp chú: ong bay đi ngửi mồm ba nàng công chúa, rồi đậu lên môi công chúa đã ăn mật ong để ông hoàng Ngốc nhận ra. Tức thì tòa lâu đài thoát khỏi giấc ngủ triền miên và những người đã hóa ra đá lại trở thành người. Chú Ngốc cưới nàng công chúa ít tuổi nhất và đáng yêu nhất, rồi được nối ngôi vua. Còn hai anh chú Ngốc được lấy hai nàng công chúa kia. |
CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI |
Công cụ bài viết | |
Kiểu hiển thị | |
|
|