|
|||
|
|||
|
Công cụ bài viết | Kiểu hiển thị |
#1
|
|||
|
|||
Cùng nhà tâm lý học "mổ xẻ" quan hệ thầy trò thời nay!
Không nên đặt vấn đề trò cãi lại thầy, chúng ta khuyến khích trò phản hồi lại những điều thầy dạy, trao đổi lại những điều thầy dạy nếu trò vẫn cảm thấy không hiểu... Tuy nhiên, thời nay quan hệ này cũng đã có nhiều đổi thay và phức tạp hơn. Cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, mối quan hệ thầy trò không còn đơn thuần như xưa nữa. Nó đan xen nhiều mối quan hệ: Bạn bè, đối tác, cha con, đồng nghiệp... Về một nghĩa rộng, người thầy hiện nay không còn là một hình tượng được tuyệt đối hóa về hình mẫu tri thức nữa. Ở lĩnh vực này, người này là thầy người kia; nhưng đổi lại trò có khi lại "làm thầy" ở những lĩnh vực khác. Nói một cách nào đó, thầy - trò hiện nay chính là hai đối tác trao đổi những kiến thức mà họ có được. Tất cả những đổi thay đó tác động đến đạo thầy trò thời nay thế nào? Tuần Việt Nam "mổ xẻ" quan hệ truyền thống này với Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Bá Đạt, giảng viên Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; Tham vấn gia tâm lý trẻ em và gia đình của CPEC. Đạo thầy - trò hiện nay bị coi là một mối quan hệ nhạt nhẽo, lỏng lẻo. Mỗi người chỉ làm theo trách nhiệm (đôi khi nửa vời) của mình. Không còn có những mối quan hệ thầy - trò hiểu đúng theo đạo nghĩa xưa kia. Anh có đồng ý với quan điểm này không? Hiện nay, mối quan hệ thầy trò đã có nhiều thay đổi, nhiều người thầy chỉ chú trọng việc "truyền đạt tri thức cho học sinh, sinh viên" xem nhẹ việc nâng đỡ học sinh, giúp học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn trong cuộc sống, dẫn đến mối quan hệ thầy trò không còn sâu đậm như xưa. Nhưng cũng không hiếm những thầy cô vẫn tận tình giúp học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh học tập, làm luận văn, luận án mà không đòi hỏi, yêu sách gì. Các thầy làm việc với trách nhiệm, sự say mê và tình cảm của mình dành cho trò. Như vậy là quan hệ thầy trò nhạt nhẽo, lỏng lẻo không phải xảy ra ở tất cả các thầy và các trò, chỉ có một số, cụ thể bao nhiêu cần phải có những khảo sát. Khái niệm "dân chủ" được hiểu trong quan hệ thầy trò hiện nay như thế nào? Có sự xung đột giữa việc phát huy dân chủ và lễ nghĩa truyền thống hay không? Khái niệm "dân chủ" trong quan hệ thầy trò hiện nay muốn khuyến khích và nhấn mạnh đến vai trò của học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức, tri thức. Ở đây, chúng ta phải hiểu là để lĩnh hội tri thức đúng, học sinh cần suy nghĩ, tìm tòi và phản hồi lại những điều thầy dạy, những điều tự học được thông qua việc đọc sách, thông qua hoạt động sống... Như vậy, dân chủ có nghĩa là trò phản hồi lại những tri thức mà mình học được cho thầy, sau đó thầy lại giúp học sinh hiểu đúng hơn, chính xác hơn. Dân chủ không có nghĩa là bỏ đi lễ nghĩa của trò dành cho thầy. Ở đây, chỉ có một thay đổi ở thầy là thầy phải biết lằng nghe ý kiến của trò chứ đừng nghĩ ý kiến của trò là sai, đi ngược ý kiến của thầy là vô lễ. Chúng ta nhận xét nhiều vấn đề học sinh Việt Nam vẫn chưa phát huy được tinh thần làm chủ, chưa tự tin và chủ động trong việc đưa ra chính kiến và có tư duy mới, càng không có ý thức đưa ra những lập luận phản biện thầy cô. Đây được coi là một trong những điểm yếu của học sinh Việt, đặc biệt khi những học sinh này được đặt vào môi trường giáo dục quốc tế, hoặc ở những môi trường làm việc trong xã hội. Theo anh, tâm lý này hình thành do đâu, có cách nào để khắc phục không? Tâm lý này bị ảnh hưởng bởi hai điều sau đây: - Ngay từ tiểu học, chương trình, phương pháp dạy học của chúng ta thường đi đến khẳng định những gì viết trong sách giáo khoa là đúng, là chính xác, học sinh cần phải học và tiếp thu. Khi một điều đã cho là chính xác một cách tuyệt đối rồi thì những suy nghĩ phản biện của người khác hay của học sinh khó có thể nảy sinh. Ở nước ngoài, từ nhỏ thầy, cô chỉ nêu vấn đề và học sinh suy nghĩ, chất vấn cô giáo và bạn khác sau đó rút ra những bài học. - Từ thầy cô giáo, cha mẹ, toàn xã hội chưa có thói quen lắng nghe trẻ, khuyến khích trẻ nói, chúng ta chỉ quen dạy trẻ những điều chúng ta cho là đúng, những điều chúng ta cho rằng trẻ cần phải học, mà không biết trẻ suy nghĩ gì, trẻ có mong muốn không? Chúng ta vẫn đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo, "một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Có vẻ như tinh thần tôn sư trọng đạo của ta đang được hiểu và thực thi quá máy móc. Hệ quả là nền giáo dục của ta cứ sản sinh ra những thế hệ học trò chỉ biểt thụ động ngồi nghe và ghi chép, sau này là những nhân viên nhất nhất chờ lệnh cấp trên. Liệu đây có phải vấn đề các nhà giáo dục và tâm lý học nên can thiệp tích cực hơn hay không? Đã đến lúc chúng ta cần tìm ra và khuyến khích nhiều hơn những học sinh dám "cãi lại" thầy hay không? Không nên đặt vấn đề trò cãi lại thầy, chúng ta khuyến khích trò phản biện những điều thầy dạy, trao đổi lại những điều thầy dạy nếu trò vẫn cảm thấy không thông. Thầy phải tôn trọng ý kiến của trò như bao những ý kiến khác mà thầy vẫn phải tôn trọng đó thôi. Ví dụ ý kiến của cấp trên, ý kiến của đồng nghiệp, của vợ hoặc chồng mà thầy luôn phải nghe.... Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy là một truyền thống văn hoá và ứng xử tốt đẹp, cần được giữ gìn và bảo vệ, nhất là thời nay. Ở một mặt khác, trong khi chúng ta rất cần những học sinh có tính phản biện, sáng tạo với những lý luận mới, sắc sảo; nhưng ngược lại cũng không thể chấp nhận những cá nhân không giữ đạo thầy trò, trở thành những vấn nạn trong trường học. Làm thế nào để phân biệt và có cách ứng xử đúng đắn giữa một học sinh "sáng tạo" và một học sinh hư? Không khó để phân biệt những học sinh này, học sinh sắc sảo, sáng tạo luôn hỏi thầy và hỏi với mục đích là để tiến bộ để hiểu tri thức và phát triển tri thức. Còn học sinh hư không bao giờ hoặc ít hỏi thầy tri thức mà thường vi phạm nội quy học đường. Từ góc độ chuyên môn, anh đưa ra lời khuyên nào cho các thầy cô và phụ huynh của những đứa trẻ có xu hướng "nổi loạn". Trong những trường hợp nào sự "nổi loạn" thể hiện tích cực hay tiêu cực cho việc hình thành nhân cách. Trong những trường hợp đó, vai trò và cách ứng xử của người thầy có tác động như thế nào? Tôi không hiểu khái niệm "nổi loại" do vậy không thể đưa ra lời khuyên. Với tôi, tất cả học sinh hay sinh viên đều tốt. Chỉ có ở một thời điểm nào đó họ có thể không kiểm soát được hành vi làm cho họ phạm lỗi. Nếu lỗi có xu hướng lặp lại cần phải xử phạt theo quy chế để đảm bảo tính công bằng. Khi học sinh gặp khó khăn muốn thầy giúp thì các thầy luôn giúp. Bỏ qua những mặt tiêu cực trong quan hệ thầy trò kiểu "đổi chác", "phong bì", "gạ tình"... này khác. Có ý kiến cho rằng đạo thầy trò hiện nay nhìn theo góc tích cực là cởi mở hơn, gần gũi hơn. Thầy - trò giống như những người bạn. Theo anh đấy có phải một xu thế tất yếu của xã hội? Nó có ảnh hưởng ra sao với đạo thầy - trò? Trước khi thầy và trò làm bạn, hai người nên học hết chữ thầy trò. Một trong những điểm quan trọng trong quan hệ thầy trò chính là sự tôn trọng lẫn nhau. Khi thầy tôn trọng trò, trò tôn trọng thầy thì mọi thứ sẽ tốt đẹp. Hình ảnh những ông giáo già nghiêm khắc, đạo mạo đã không còn là hình tượng hoàn hảo của thời này nữa. Thầy giáo thời nay cũng nên biết về Hiphop, thời trang, cập nhật tin tức về các ngôi sao thể thao, ca nhạc... Hoặc bản thân các thầy cũng nên tạo cho mình phong cách của các ngôi sao để trở thành thần tượng của trò. Anh có nghĩ như vậy không? Hình ảnh người thầy hiện nay thay đổi như chị kể là đúng và cũng chẳng sao, trước khi là thầy, thầy là con người, do vậy thầy cũng phải tạo cho mình bản sắc riêng như bao người khác. Miễn sao những phong cách ứng xử, thời trang... không làm thầy sao nhãng việc làm thầy, không làm phân tâm người thầy trong việc dạy học. Có nghĩa là khi đi dạy, hoặc lên giảng đường thầy hoặc cô đừng ăn mặc mốt quá mà làm học sinh không nghe giảng. Trên hết cả vẫn là thầy dạy sao để chuyển tải kiến thức cho trò tốt nhất, còn trò học sao để mau tiến bộ và hiểu biết nhất mà thôi! Quỳnh Giao (Theo TuanVietnam) |
Công cụ bài viết | |
Kiểu hiển thị | |
|
|