Home Rules Contact  
Chợ thông tin Giáo dục Việt Nam
Đăng ký Hỏi đáp Danh sách thành viên Lịch Tìm Kiếm Bài gửi hôm nay Đánh dấu là đã đọc

Chợ thông tin Giáo dục Việt Nam Kiến thức xã hội Kiến thức văn học Văn học phổ thông, Ý nghĩa ngày giỗ Tổ

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 30-07-2012, 10:24 AM
cmfc cmfc đang online
Senior Member
 
Tham gia ngày: May 2012
Bài gửi: 183
Mặc định Ý nghĩa ngày giỗ Tổ

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Con người ai cũng có thân xác, đó là cơ sở vật chất để sự sống tồn tại. Thân xác đó không thể tự ta mà có, nó có là do cha mẹ di truyền, đến lượt ta, ta lại trao truyền sự sống cho con, thành ra sự sống là một dòng tồn tục. Khi ta sống là cha mẹ ta đang sống. Khi ta chết ta vẫn còn sống nơi con ta, cháu ta.

Sinh huyết chảy mãi không ngừng từ vô thuỷ đến vô chung. Trân trọng sự sống, bảo tồn thân xác là bổn phận, là nhiệm vụ của con người vì thân xác đó không phải của riêng ta. Thân xác đó là của người trước, thân xác đó là của người sau. Thân xác đó cùng tồn tại với càn khôn, biến dịch cùng vũ trụ. Thế nên sống là tri ân. Sống là phải biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã cho ta sự sống. Đạo thờ cúng tổ tiên là đạo làm người. Người Việt Nam may mắn có chung một đạo, Đạo thờ cúng Ông Bà. Người Việt Nam còn may mắn hơn nữa khi có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, có chung một đền thờ Tổ để tri ân.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dầu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng: Đền Hùng.

Đền Hùng dựng trên núi Hùng

Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Sơn Tây viết: "Núi Hùng Vương ở xã Hy Cương, cách huyện Sơn Vi 12 dặm về phía đông, cũng gọi là núi Hy Cương, lại gọi là núi Bảo Thứu, hình thể tròn trĩnh xanh tốt lạ thường, Địa dư chí của Lê Đại Cương chép rằng: mạch núi từ núi Tam Đảo bổ xuống, kéo qua địa phận huyện Lập Thạch, xuyên qua sông Lô, đi qua địa phận các huyện Hùng Quan và Tây Quan kéo đến, ở phía tây núi non la liệt, ở phía đông có nước sông Đà lượn quanh, lại có các ngọn nước tụ hội ở ngã ba sông, thật là cục lớn về phong thuỷ" (1). Võ Văn Trực cực tả: "Núi Hùng vươn ra như một con rồng, đầu hướng về nam" (2) tr 419).

Núi Hùng cao 175m so với mặt biển. Núi còn nhiều tên gọi khác như Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương hay núi Cả. Núi Cả nhìn xuống làng Cả. Đời Lê, cư dân xã Hy Cương được ban làm con Cả, hằng năm giữ nhiệm vụ hương khói thờ phụng vua Hùng. Sách Ngọc phả Hùng Vương do Trực Học Sĩ Nguyễn Cố soạn năm 1470 có đoạn viết: "Phụng ban hương Trung Nghĩa (Cổ Tích) làm dân trưởng tạo lệ, cấp 500 mẫu ruộng tại xã Hy Cương, lại cho thu thuế ruộng của một vùng, trên từ Tuyên Quang, Hưng Hoá, dưới đến Việt Trì làm hương hoả phụng thờ". Hằng năm con trưởng chỉ có nghĩa vụ đi lính, còn được miễn thuế khoá, tiền thuế và ruộng chỉ để đèn nhang cúng lễ đền Hùng" (2) tr 380).

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cử hành vào ngày mồng mười tháng ba:

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Cả nước hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng, 41 làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú tham gia rước kiệu lễ dâng Tổ. Trên các cổ kiệu có bày lễ vật, đi kèm có phường bát âm tấu nhạc, cờ quạt, bát bửu, lọng che cùng chiêng trống. Những làng ở xa thường phải rước 2-3 ngày mới tới" (2) tr 382).

Nguyễn Thị Hạnh cho biết: "Xưa kia, việc cúng Tổ (cử hành) vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)... Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch ) hàng năm. (2) tr 381).

Như thế ngày chính tế phải là ngày 12 tháng 3, ngày 10 tháng 3 chỉ là ngày quốc tế, ngày chính quyền Nhà nước đứng ra cúng tế. Và ngày 12 tháng 3 mới là ngày mang ý nghĩa của một thông điệp mà người xưa muốn gửi lại cho muôn đời sau.

Tại sao 18 đời Hùng Vương chỉ có một ngày lễ. Đồng ý đây có thể là hợp kỵ nhưng tại sao lại là ngày 12 tháng 3 mà không phải là ngày khác? Đây chắc không phải là ngày chọn lựa một cách tình cờ mà có dụng ý. Muốn giải mã được thông điệp của Tổ tiên; không thể chỉ dựa vào một sự kiện, vì như vậy người khác có thể cho là suy diễn, nhưng nếu vấn đề được giải đáp trong một hệ thống chúng ta không thể không quan tâm.

Chúng ta có thể đối chứng ngày giỗ Tổ Hùng Vương với ngày giỗ Tổ Phụ Lạc Long Quân và ngày giỗ Tổ Mẫu Âu Cơ. Ba ngày giỗ này có liên hệ mật thiết với nhau, thống nhất ý nghĩa trong cùng một hệ thống, tỏ rõ có bàn tay xếp đặt chứ không phải là ngẫu nhiên trùng hợp.

Trong sách Hùng Vương và lễ hội đền Hùng B.D.S cho chúng ta biết thêm một chi tiết khá quan trọng: ''Mãi gần đây chúng ta mới biết Lạc Long Quân được thờ tại Đình Nội, làng Bình Đà, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Bình Đà có hai ngôi đình đẹp: Đình Nội (còn gọi là Đình Trong), Đình Ngoại (còn gọi là Đình Ngoài)... Dân làng Bình Đà tổ chức lễ hội từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 3 âm lịch. Ngày 6 tháng 3 là ngày chính hội, tương truyền đó là ngày sinh của Đức Lạc Long Quân (2) tr 371-373).

Theo Kinh Dịch, tính theo số Tiên-Thiên, quẻ Khảm hay còn gọi là quẻ Thuỷ đứng ở vị trí số 6, quẻ Ly hay còn gọi là quẻ Hoả đứng ở vị trí số 3. Vì vậy lấy ngày 6 tháng 3 để tưởng niệm Đức Lạc Long Quân là dựa vào tính chất của quẻ Khảm (số 6) và quẻ Ly (số 3). Hai quẻ này hợp lại là quẻ Thuỷ-Hoả-Ký-Tế, quẻ thứ 63 trong tổng số 64 quẻ Dịch.

Lạc Long Quân từng nói với Âu Cơ: "Ta là nòi rồng, đứng đầu thuỷ tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh con, nhưng thuỷ hoả tương khắc, dòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly. Ta đem năm mươi con về thuỷ phủ, chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi xuống bể, hữu sự thì báo cho nhau biết" (Lĩnh Nam Chích Quái).

Lạc Long Quân tính thuỷ tương ứng với quẻ Khảm, loại quẻ dương. Âu Cơ tính hoả tương ứng với quẻ Ly, loại quẻ âm. Hai quẻ này âm dương tương hợp, tạo thành quẻ Ký-Tế. Hào cửu ngũ quẻ Ký-Tế là hào dương, biểu tượng cho vua, hào lục nhị quẻ Ký-Tế là hào âm, biểu tượng cho Âu Cơ, hai hào này là hai hào chính ứng với nhau.

Kinh Dịch chỉ có 8 quẻ đơn, từ quẻ Càn số 1 đến quẻ Khôn số 8, quẻ đơn không vượt quá số 8. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 12 tháng 3, số 12 vượt quá giới hạn quẻ đơn, tuy nhiên ta biết rằng 12 là bội số của 6. Dịch lý luôn biến hoá, do đó số 12 vẫn hàm chứa số 6 nên ngày 12 tháng 3 về nội hàm vẫn là hoá thân của 6 tháng 3. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương và ngày giỗ Tổ Lạc Long Quân cùng có chung một ý nghĩa.

Quẻ Ký-Tế là quẻ duy nhất trong số 64 quẻ Dịch đạt đến độ lý tưởng hoàn chỉnh. Dịch quy định những hào ở vị trí số lẻ 1, 3, 5 phải là hào dương mới được kể là chính vị, nếu là hào âm thì gọi là thất vị (không đúng vị trí). Ngược lại những hào ở vị trí số chẵn 2, 4, 6 phải là hào âm mới được kể là chính vị, không đúng quy định đó gọi là thất vị. Số thứ tự của hào quẻ được tính từ dưới lên. Riêng hào 5 (hào cửu ngũ) còn được gọi là hào trung chính vì là hào dương mà lại là hào ở giữa quẻ ngoại. Cũng thế, hào 2 (lục nhị) còn được gọi là trung chính vì là hào âm và là hào ở giữa quẻ nội. Quẻ Ký-Tế,hào dương ở đúng vị trí dương, hào âm ở đúng vị trí âm được xem là quẻ chuẩn, chuẩn cho Dịch, chuẩn cho người, chuẩn cả cho trời đất vì đã đạt đến trung chính, nghĩa là đã đạt được Đạo. Trời đất trung chính thì mưa thuận gió hoà, xã hội trung chính thì cuộc sống yên ổn, thái bình. Cho nên toàn bộ Kinh Dịch, có thể nói như Nguyễn Hiến Lê: "Liệt kê ra thì cực phiền toái mà tổng hợp lại thì rất đơn giản chỉ gồm hai chữ trung chính như Trương Kỳ Quân đã nói: "Đạo lý trong thiên hạ (theo Dịch) chỉ là khiến cho việc không trung trở về chỗ trung, việc không chính trở về chỗ chính" (3) tr161). Nguyễn Văn Siêu nhấn mạnh trung không phải là lưng chừng, không phải là trung bình cộng mà trung là đạt đến chỗ chí thiện.

Phải chăng qua ngày giỗ 6/3 và 12/3 Tổ tiên muốn để lại cho con cháu muôn đời lời di huấn về phép trị nước an dân cốt sao đạt đến chỗ trung chính.

Đạo trị nước tất cũng là đạo giữ nước, đó chính là thông điệp của ngày giỗ Tổ Hùng Vương, giỗ Tổ Lạc Long Quân.

Ký-Tế là đã thành, đã xong, nhưng Vương-Bật trong Chu Dịch chú nói rằng: "Đã qua sông (ký tế) đừng quên lúc chưa qua sông (vị tế)'' (4) tr870). Vua Đường Thái Tông từng hỏi các cận thần: "Về sự nghiệp của đế vương, việc sáng lập và giữ gìn thành quả cái nào khó hơn". Nguỵ Trưng đáp: "Đế vương dấy nghiệp, tất thừa cơ lúc đời suy loạn, lật đổ bọn tàn ác hôn ám, trăm họ đều đồng lòng ủng hộ, bốn biển đều theo về, đó là lúc trời trao cho mệnh, do vậy việc đó không phải là khó. Nhưng sau khi đã được thiên hạ, chí thường kiêu ngạo phóng dật, trăm họ muốn được yên vui, nhưng sưu thuế nặng nề, muôn dân khổ sở điêu tàn, mà phải phục dịch cho việc ăn chơi xa xỉ không ngớt. Đất nước suy vong đều từ đó mà ra. Cho nên nói giữ vững thành quả là khó hơn nhiều" (4) tr 867). Ý của Tổ tiên muốn nhắc nhở người đời sau qua quẻ Ký-Tế: ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương vua ra vua, cha ra cha, con ra con thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp phồn vinh, phát triển.

Lời di huấn này không chỉ được nhắc nhở hằng năm thông qua ngày hội giỗ mà còn được khắc ghi trên trống đồng Đông Sơn, trống thiêng của dân tộc, gởi gắm trong biểu tượng mặt trời nằm rạng rỡ giữa trống đồng. Mặt trời trên trống đồng có nhiều tia, có trống 8 tia có trống 10, 12 hoặc 14, 16 tia, nhưng đều là tia khắc nổi, đó là tia dương ứng với hào dương. Ngoài ra những tia nổi này còn tạo ra những tia chìm, đó là tia âm, ứng với hào âm. Cứ mỗi hào dương hào âm như thế nối nhau sẽ tạo ra những quẻ Ký-Tế chạy thành vòng tròn mặt trời giữa trống đồng. Ý nghĩa của mặt trời trên trống đồng và những con số ẩn trong ngày giỗ Tổ là nhất quán.

Ngày giỗ Lạc Long Quân, ngày giỗ Hùng Vương có chung một ý nghĩa, gắn bó nhau trong một hệ thống, thế còn ngày giỗ cũa Âu Cơ có chuyển tải ý nghĩa nào không?

Giỗ cha có nghĩa, giỗ con có nghĩa, lẽ nào giỗ mẹ lại không?


Sách Non Nước Việt Nam của Tổng cục Du lịch Việt Nam giới thiệu: "Đền thờ Mẹ Âu Cơ nằm giữa cánh đồng lúa của xã Hiền Lương (huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ), dưới tán lá của cây đa xum xuê toả bóng mát. Trong đền thờ tượng mẹ Âu Cơ đặt ở vị trí cao nhất. Bức tượng là một người mẹ hiền từ, đẹp như tiên, thông minh và phúc hậu. Tại đây còn thờ phụng con trai thứ hai của Mẹ, một vị tướng tài ba, trung hiếu, được tôn là ''Thượng Đẳng Thần".

Lễ hội Đền Âu Cơ tổ chức hàng năm vào ngày 7 tháng giêng âm lịch" (tr291).

Theo số Tiên Thiên, 7 là số thứ tự của quẻ Cấn còn gọi là quẻ Sơn, có tượng là núi. Tháng giêng số 1 là số thứ tự của quẻ Càn cũng gọi quẻ Thiên, có tượng là trời.

Mẹ Âu Cơ là mẹ tiên, người ở núi "Mẹ Âu Cơ dẫn 50 con lên núi". Dựa theo Dịch lấy ngày 7, quẻ Cấn, để tưởng nhớ mẹ là tiên nhân, cũng như Lạc Long Quân là cha rồng, người ở nước, nên lấy quẻ Khảm số 6 làm ngày tưởng niệm.

Quẻ Cấn và quẻ Càn hợp lại là quẻ Sơn-Thiên-Đại-Súc: 7/1


Quẻ trên là núi, quẻ dưới là trời, đây không phải là chuyện thực mà chỉ là hình ảnh biểu tượng: trời chứa trong núi, tượng trưng cho sự chứa đựng, tích góp lớn lao. Hình tượng này dành cho bậc thánh nhân, những người có thể làm nên những công trạng vĩ đại như Mẹ Âu Cơ. Đại tượng truyện đưa ra một ý rất thích hợp với nội dung câu chuyện chúng ta đang đề cập ở đây: "Đại-Súc, quân tử dĩ đa chỉ tiền ngôn vãng hành, dĩ súc kỳ đức". Việc súc tụ lớn lao, người quân tử nhân đó phải ghi nhớ nhiều ngôn luận và sự tích của các vị thánh hiền xưa, lấy đó để súc tụ mỹ đức cho mình (4) tr536). Tuy chỉ là ý kiến suy tưởng của người Trung Hoa nhưng từ ý này cũng giúp cho ta hình dung được sự phối hợp kỳ lạ giữa hai quẻ Ký-Tế và Đại-Súc, một bên là lời di huấn của cha, một bên là lời khuyên của mẹ, phải nhớ lời cha dặn.

Đại-Súc có nghĩa là súc tụ, súc dưỡng và súc chỉ.

Súc tụ là sự tập hợp vĩ đại, người lãnh đạo phải biết đoàn kết rộng khắp các hạng dân "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng". Tập hợp thành một khối kiên cường trong tình yêu thương rộng mở. Làm được công cuộc súc tụ, thì phải biết súc dưỡng, nuôi dưỡng nhân tài vật lực để phát triển, nhưng trong mọi hành động phải biết dừng lại ở chỗ chí thiện, phải biết chế ước, súc chỉ. Nếu không biết kiềm chế sẽ dẫn đến vọng động hỗn loạn.

Người xưa khi thiết kế những ngày hội lễ đã có những chủ đích nhất định. Phần hội để làm sống lại quá khứ, phần lễ để tạ ơn, nhưng hội lễ không chỉ dừng lại ở đó. Thông qua ngày giỗ Tổ, thông qua những con số, thông qua quẻ Dịch Tổ tiên ta còn có hoài bão muốn nhắc nhở hậu thế những kế sách giữ nước an dân. Đó là nỗi lo muôn thuở, là tấm lòng bao dung, tha thiết, rộng mở của Chư Tổ còn vang vọng mãi khắp núi sông: "Hãy chôn ta trên núi Cả, để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu".

Nguyễn Thiếu Dũng
__________________
Trả lời với trích dẫn


Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 09:50 AM

Xây dựng bởi SangNhuong.com
© 2008 - 2024 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.

Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay | Chợ rao vặt miễn phí SangNhuong.com | Chợ thông tin bất động sản lớn nhất Việt Nam