PDA

View Full Version : Những thái giám nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc


safashion
30-07-2012, 10:33 AM
Trong quá khứ có nhiều nguyên do khác nhau để một người đàn ông bị hoạn. Đó là tiêu chí bắt buộc đối với hoạn quan, những người đàn ông làm công việc hầu hạ trong hoàng thất.

Đó cũng có thể cách mà một thị tộc chiến thắng trong chiến tranh áp dụng với đàn ông của thị tộc thua trận nhằm diệt chủng thị tộc này. Đó cũng có thể là một hình phạt cho những kẻ phạm tội

Sử gia nổi tiếng Trung Quốc Tư Mã Thiên thời Tây Hán từng bị khép tội “phủ hình” (hoạn). Dưới thời La Mã, người ta cho hoạn một số thiếu niên có chất giọng tốt để tạo nên những ca công với âm vực tenor đặc biệt. Hay như Nhạc Bất Quần, một nhân vật nguỵ quân tử trong tiểu thuyết võ hiệp “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung, tự hoạn để luyện Tịch tà kiếm phổ. Đó cũng có thể là cách mà cô vợ Serena của anh chàng John Wayne Bobbit người Mỹ đáp lại hành vi “cưỡng bức đúng luật” của chồng. Và cuối cùng, đã, đang và sẽ luôn tồn tại trong giống đực những cá thể bị “thiên yêm” (trời hoạn). Đó là những người tuy thể chất là đàn ông nhưng sinh ra đã có khiếm khuyết ở cơ quan “truyền giống”.

Không rõ hoạn quan bắt đầu xuất hiện trong triều đình Trung Hoa kể từ thời điểm nào. Tuy vậy trong vở chính kịch của lịch sử Trung Quốc, với các đế chế phong kiến nối tiếp nhau hưng thịnh và suy tàn, hoạn quan luôn là một tuyến nhân vật có vai trò rất độc đáo. Tầng lớp hoạn quan thường xuất thân hèn kém, ít học, bị kinh miệt, danh chính ngôn thuận thì không có quyền hành gì, nhưng với vị thế đặc biệt của những người luôn kề cận các bậc đế vương, họ luôn có một thứ quyền lực vô hình và quyền lực này đôi khi đủ để khuynh đảo triều chính. Dưới đây là chân dung một vài người trong số họ.

1. Triệu Cao: Hoạn quan thời nhà Tần. Triệu Cao bắt đầu được tin dùng sau vụ Kinh Kha âm mưu hành thích vua Tần. Nhờ Triệu Cao nhắc về cây kiếm đang đeo bên mình, Tần Thuỷ Hoàng mới đánh trả được Kinh Kha và may mắn thoát chết. Khi Tần Thuỷ Hoàng băng hà ở Sa Khâu trên đường tuần du miền Đông Nam, Triệu Cao đã cùng với thừa tướng Lý Tư thông mưu lập con thứ Hồ Hợi (Tần Nhị Thế) và bức tử thái tử Phù Tô. Về sau Triệu Cao lại tiếp tục giết Lý Tư và nhiều đại thần, một mình độc chiếm quyền hành. Tới khi quân khởi nghĩa của Lưu Bang đánh tới kinh thành, Triệu Cao bức tử Nhị Thế, lập Tử Anh để có cơ sở thương lượng. Tuy nhiên, cuối cùng Triệu Cao lại bị chính Tử Anh giết chết. Có thể nói việc để cho quyền lực nằm trong tay một kẻ độc ác và bất tài như Triệu Cao chính là một trong những nguyên nhân khiến vương triều nhà Tần hùng mạnh là thế mà chỉ duy trì được trong có 15 năm.

2. Thập thường thị: Mười viên hoạn quan dưới triều hai vua Hoàn Đế, Linh Đế thời Đông Hán, đứng đầu là Trương Nhượng. Việc điều hành quốc gia bắt đầu rơi vào tay tầng lớp hoạn quan sau khi Hoàn Đế phải dựa vào nhóm này để trừ khử quyền thần Lương Ký. Trong thời gian nắm quyền, hoạn quan đã phát động hai đợt thanh trừng lớn, qua đó bức hại và loại trừ hầu hết các bậc trung thần hoặc những người không cùng phe cánh. Lịch sử gọi sự kiện này là “hoạ đảng cố”. Triều đình Đông Hán thời kỳ này trở nên vô cùng hủ bại, việc mua quan bán tước được định giá công khai. Dù sau này, thập thường thị có bị Viên Thiệu tiêu diệt nhưng triều Đông Hán không thể phục hồi được nữa. Nước Trung Quốc rơi vào loạn lạc, chiến tranh và chia cắt đưới thời Tam Quốc trong gần 100 năm còn nhà Hán thì bị nhà Nguỵ thay thế.

3. Cao Lực Sĩ: Hoạn quan dưới triều Đường Huyền Tông. Là một sủng thần, Cao Lực Sĩ dựa thế hoàng để để tác oai tác phúc với các quan trong triều. Nhà thơ Lý Bạch, do có hiềm kích cá nhân với Cao Lực Sĩ, cũng bị y dèm pha phải từ quan. Khi An Lộc Sơn nổi loạn tấn công kinh đô Trường An, Cao Lực Sĩ theo xa giá của Huyền Tông bỏ thành chạy trốn. Đến gò Mã Ngôi, trước nguy cơ xảy ra binh biến, Cao Lực Sĩ đã giết Dương Quý Phi trấn an quân đội.

4. Cừu Sĩ Lương: Hoạn quan dưới triều Đường Văn Tông. Nhà Đường trong suốt mười đời vua cuối cùng kể từ Đức Tông đến Chiêu Tông đều bị thế lực hoạn quan chi phối. Hoạn quan không chỉ thao túng triều chính mà còn giết vua và định việc phế lập. Đường Văn Tông dựa vào Cừu Sĩ Lương để giết tên hoạn quan đứng đầu triều đình lúc đó là Vương Thủ Trừng. Trừ khử được Thủ Trừng rồi, Văn Tông lai định trừ tiếp Cừu Sĩ Lương, vì chung quy y cũng là một hoạn quan, lại đang nắm binh quyền. Văn Tông phối hợp cùng một số đại thần thân tín, lập mưu lừa Cừu Sĩ Lương vào vườn thượng uyển, phục binh sẵn để giết. Sự việc bại lộ, Cừu Sĩ Lương cùng hoạn quan nhốt vua vào nội cung làm con tin, rồi cho quân truy bắt và giết toàn bộ những người dự mưu, tổng cộng trên một ngàn người. Đây là sự kiện “Cam lộ chi biến” nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Sau biến cố này, Văn Tông hoàn toàn bị đặt dưới sự giám sát của hoạn quan. Nhà Đường tiếp tục lún sâu hơn vào sự suy tàn và cuối cùng bị diệt vong.

5. Trịnh Hoà: Hoạn quan dưới triều Minh Thành Tổ. Ông tên thật là Mã Tam Bảo, tín đồ Hồi giáo sống tại Vân Nam. Do thông minh tháo vát, Trịnh Hoà được Minh Thành Tổ yêu mến và tin dùng. Ông là nhà hàng hải nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Từ năm 1405 đến năm 1433, Trịnh Hoà đã bảy lần chỉ huy hạm đội đi chu du qua vùng biển Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ghé thăm hơn 30 quốc gia, xa nhất là Somalia thuộc châu Phi. Dựa trên một số thư tịch và bằng chứng lịch sử, cựu thuyền trưởng tầu ngầm người Anh là Gavin Menzies gần đây đã đưa ra một giả thuyết là chính các đô đốc dưới quyền Trịnh Hoà, trong chuyến đi thứ sáu, đã phát hiện ra mũi Hảo Vọng, châu Mỹ, châu Nam Cực, châu Úc và Bắc Cực.

6. Vương Chấn: Hoạn quan dưới triều vua Minh Anh Tông. Xuất thân là một tên lưu manh, Vương Chấn tình nguyện xin hoạn vào cung làm thái giám để tránh bị phạt xung quân do phạm tội. Anh Tông hủ bại, không màng gì đến việc nước nên Vương Chấn có cơ hội nắm đại quyền về quân sự và chính trị. Năm 1450, y ép nhà vua thân chinh đem nửa triệu quân đi đánh bộ lạc Ngoã Lạt tại vùng Hà Bắc. Do không biết cách dùng binh, Vương Chấn thua trận tại Thổ Mộc Bảo. Vua Anh Tông bị bắt, 25 vạn quân bị giết, Vương Chấn cũng bị các tướng làm binh biến giết chết.

7. Lưu Cẩn: Hoạn quan dưới triều vua Minh Vũ Tông. Do hầu hạ Vũ Tông từ lúc còn chưa lên ngôi nên Lưu Cẩn rất được nhà vua quý chuộng, phong làm Tư lễ giám, chuyên phê duyệt sớ của các quan tấu trình. Với chức quan đó, Lưu Cẩn giả mệnh hoàng đế tự ý định đoạt mọi công việc trong nước. Dân gian khi đó gọi Lưu Cẩn là “Hoàng đế đứng”, ám chỉ quyền lực của y, để phân biệt với “Hoàng đế ngồi” là Vũ Tông. Lưu Cẩn nắm quyền trong hơn năm năm thì bị một số quan lại phối hợp lật đổ.

8. Nguỵ Trung Hiền: Hoạn quan dưới triều vua Minh Hy Tông. Mặc dù có cái tên thì rõ hay nhưng họ Nguỵ là một kẻ vô cùng gian hiểm. Đứng đầu cơ quan đặc vụ, y kéo bè kết đảng, mua quan bán tước, làm đủ chuyện xấu xa. Những kẻ hùa theo họ Nguỵ được gọi là “Yêm đảng” (Yêm: thiến, hoạn). Yêm Đảng có vây cánh khắp trong cả nước, tiến hành công kích, hãm hại rất nhiều trung thần. Quyền lực của bản thân Nguỵ Trung Hiền cũng rất lớn, mọi người phải đối đãi với hắn như hoàng đế. Chỉ tới sau khi Hy Tông chết, vua kế tiếp là Sùng Trinh mới trừ khử được y.

9. Lý Liên Anh: Hoạn quan thời Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh. Là đại thái giám được Từ Hy tin cẩn, Lý Liên Anh có quyền sinh quyền sát rất lớn. Từ vương tôn, quý tộc cho đến quan lại trong triều không ai dám làm phật ý hắn. Theo lệnh Từ Hy, Lý Liên Anh đã cho giam lỏng vua Quang Tự vì ông này có ý định cùng với một số nhà cải cách như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu cải tổ lại chính quyền, trái với quan điểm lãnh đạo đất nước của Từ Hy Thái Hậu.

Tác giả: Phạm Thúc Trương Lương
Nguồn : http://www.vanhoaphuongdong.com/modules.ph...article&sid=745 (http://www.vanhoaphuongdong.com/modules.php?name=News&file=article&sid=745)