PDA

View Full Version : Súng phóng lựu tự động AGS-17 và AGS-30


duongtramanh.bdg
30-07-2012, 10:24 AM
Đầu những năm 1930, Liên Xô đã bắt đầu phát triển súng phóng lựu tự động 30mm AGS-17 Plamya, nhưng chương trình này đã bị gián đoạn bởi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.


http://img301.imageshack.us/img301/3365/ags170szg6.jpg



Cho tới năm 1969, nhu cầu trang bị súng phóng lựu tự động cho lục quân lại trở nên cấp thiết (ban đầu dự kiến phát triển để trang bị cho máy bay lên thẳng) dẫn đến sự ra đời của mẫu đầu tiên Nudelman của phòng thiết kế OKB-16 (nay là phòng thiết kế nổi tiếng KBP tại thành phố Tula), là cơ sở để chính thức sản xuất AGS-17 (Avtomatischeskyi Granatmyot Stankovyi – Súng phóng lựu tự động) vào năm 1971. Tới năm 1975, AGS-17 được đưa vào trang bị cho lục quân Xô-viết nói riêng và lục quân các nước khối Vác-xa-va nói chung. Hiện nay, súng được sản xuất tại Nhà máy cổ phần cơ khí Molot và Phòng thiết kế KBP. Ngoài ra súng còn được sản xuất ở Trung Quốc – trong các nhà máy quốc phòng theo giấy phép từ phía Nga và ở Xéc-bi (nước cộng hoà thuộc LB Nam Tư cũ).



Cuộc xung đột biên giới Xô – Trung cuối những năm 1960 đã thôi thúc các nhà thiết kế Xô-viết phải chế tạo ra một loại vũ khí mới hiệu quả để chống lại chiến thuật “biển người” của Trung Quốc. Đồng thời, từ những bài học từ chiến trường Việt Nam còn đang nói hổi, một số loại súng phóng lựu của lục quân Mỹ đã chứng tỏ được những năng lực trên thực tế. Loại vũ khí nhẹ nhàng này ra đời đã cung cấp cho bộ binh một hoả lực mạnh và hữu hiệu, chống lại bộ binh đối phương và các loại mục tiêu không có vũ trang khác như xe tải. Có điều, loại vũ khí này đã không có cơ hội để chống lại quân Bát Nhất của Trung Quốc, mà lại được sử dụng nhiều trong cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan.





Trong biên chế bộ binh Nga hiện nay, súng phóng lựu tự động được trang bị xuống tới cấp đại đội. Với số lượng hai khẩu cho một đại đội, khi tiến công hay phòng ngự, súng phóng lựu tự động được được coi là lực lượng hoả lực rất cơ bản. Ngoài việc được trang bị làm lực lượng hoả lực cho bộ binh, loại súng này còn được lắp trên máy bay trực thăng, xe tải, xe bọc thép, xe com-măng-ca… súng thường được lắp kèm theo súng máy liên thanh, trên tháp pháo kèm theo pháo chính xe bọc thép…



Thiết kế nổi bật của súng AGS-17 là nòng súng được bọc nhôm dày, cò súng được điều khiển bằng điện tự động từ xa. Hoạt động theo nguyên lý đẩy lùi, đạn lựu của AGS-17 được nạp từ băng tiếp đạn mềm từ hộp bên tay phải của súng. Súng có thể được sử dụng cả thước ngắm cơ khí và kính ngắm quang học, trong đó phải kể đến kính ngắm quang học PAG-17 có độ khuếch đại 2,7 lần được lắp bên trái thân súng. Giá súng ba chân cho phép xạ thủ dễ dàng thay đổi góc tầm và góc hướng. Để thuận tiện cho mang vác, di chuyển, giá súng được thiết kế có thể dễ dàng gập gọn lại và xếp vào ba lô chuyên dụng. Đạn lựu được sử dụng cho súng có hai loại: VOG-17 và VOG-17M. Súng có thể bắn phát một, loạt ngắn 5 viên hoặc loạt dài 10 viên.



http://img97.imageshack.us/img97/9461/ags302sjj5.jpg


AGS-17 thường được so sánh với súng phóng lựu của Mỹ Mk.19 mod.3, với sơ tốc đạn hơi nhỏ hơn, tầm bắn cũng ngắn hơn, chỉ có các loại đạn lựu nổ mảnh chống bộ binh VOG-17 và VOG-17M, sau này là VOG-30 cải tiến cho hiệu quả sát thương có bán kính từ 7 – 9 mét… nhưng quan trọng là, súng Nga nhẹ bằng một nửa so với súng Mỹ và chỉ cần 2 chú lính tác xạ…



Các phiên bản súng phóng lựu AGS-17 như AGS-17A (9-A-800), 6S4 Minus, BP-30 sản xuất tại Nga, AGS-17 sản xuất tại Trung Quốc, M-93 tại Xéc-bi… Riêng AGS-17A được phát triển để lắp trên máy bay trực thăng tấn công Mi-24 Hind, có thân súng và nguyện lý làm việc tương tự như AGS-17 nhưng có một thay đổi nhỏ trong thiết kế của nòng súng. Đạn lựu được nạp từ hộp tiếp đạn 300 viên, tốc độ bắn từ 420 – 500 phát/phút. Để tác chiến ở vùng rừng núi, Nga còn phát triển một phiên bản đặc biệt có thể lắp đồng trục với súng máy phòng không NSV. Bên cạnh đó còn phải kể đến phiên bản súng phóng lựu điều khiển từ xa 6S4 Minus, trang bị cho bộ đội tác chiến phòng thủ trên khu vực rộng. Một người lính có thể điều khiển 4 súng một lúc từ một bàn điều khiển từ xa truyền lệnh bằng dây cáp tín hiệu. 6S4 Minus còn được trang bị một máy định tầm la-de, sử dụng nguồn cấp điện 24 vôn. Súng phóng lựu có góc tầm 35o và góc hướng 150o.



Đặc tính kỹ - chiến thuật của AGS-17

Cỡ nòng: 30x29B

Nguyên lý hoạt động: khoá nòng lùi tự do.

Kiểu: súng phóng lựu nạp đạn băng mềm.

Chiều dài tổng thể: 840 mm

Khối lượng: 18 kg với 12 kg của giá súng ba chân 6T8

Tầm bắn hiệu lực: 800 mét với kính ngắm cơ khí; tối đa ~1700 mét với kính ngắm quang học

Tốc độ bắn: 350 – 400 phát / phút.


http://img97.imageshack.us/img97/8569/ags172snx6.jpg


Súng phóng lựu tự động 30mm AGS-30 (TKP-722K) xuất hiện lần đầu tiên năm 1994. Nga dự kiến phát triển AGS-30 để thay thế cho AGS-17. Sự khác biệt chủ yếu của AGS-30 so với AGS-17 là giảm được tới 40% các bộ phận và do đó nhẹ hơn rất nhiều, trong khi vẫn có tầm bắn và tốc độ bắn tương tự như AGS-17. Lực giật của súng cũng giảm đi tới mức cho phép dùng báng súng để hỗ trợ ngắm bắn. AGS-30 sử dụng nguyên lý đẩy lùi, hộp tiếp đạn 300 viên, bắn đạn nổ mảnh kiểu cũ VOG-17, tốc độ bắn 395 – 425 viên / phút, tầm bắn tối đa 1.730 mét. Súng vẫn được lắp trên giá ba chân nhẹ hơn nhưng chân đế rộng hơn, cho phép súng bắn có thể đặt được trên mặt đất mềm và không cần chuẩn bị trước.



Đặc tính kỹ - chiến thuật của AGS-30

Cỡ nòng: 30x29B

Nguyên lý hoạt động: khoá nòng lùi tự do.

Kiểu: súng phóng lựu nạp đạn băng mềm.

Chiều dài tổng thể: 1.100 mm

Khối lượng: 16 kg kể cả giá súng ba chân.

Tầm bắn hiệu lực: 800 mét với kính ngắm cơ khí; tối đa ~1700 mét với kính ngắm quang học

Tốc độ bắn: ~ 400 phát / phút.