PDA

View Full Version : Em bé bán diêm


coimexco-cty
31-07-2012, 01:48 PM
<div align="center">Em bé bán diêm
Hans Christian Andersen</div>


Rét dữ dội. Tuyết rơi. Trời đã tối hẳn. Đêm nay là đêm giao thừa.

Giữa trời đông giá rét, một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối.

Lúc ra khỏi nhà em có đi giày vải, nhưng giày vải phỏng có tác dụng gì kia chứ !

Giày ấy của mẹ em để lại, rộng quá, em đã liên tiếp làm văng mất cả hai chiếc khi em chạy qua đường, vào lúc hai chiếc xe ngựa đang phóng nước đại.

Chiếc thứ nhất bị xe song mã nghiến, rồi dính theo tuyết vào bánh xe; thế là mất hút. Còn chiếc thứ hai, một thằng bé lượm được, cười sằng sặc, đem tung lên trời. Nó còn nói với em bé rằng nó sẽ giữ chiếc giày để làm nôi cho con chó sau này.

Thế là em phải đi đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét.

Chiếc tạp dề cũ kỹ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm thêm một bao.

Em cố kiếm một nơi có nhiều người qua lại. Nhưng trời rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.

Suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. Em bé đáng thương, bụng đói cật rét, vẫn lang thang trên đường. Bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xõa thành từng búp trên lưng em, em cũng không để ý.

Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà ! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu của em còn sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng thần chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán và gia đình em đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân leo quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắc nhiếc, chửi rủa.

Em ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi lại một chút.

Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn.

Tuy nhiên em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định là cha em sẽ đánh em.

Vả lại ở nhà cũng rét thế thôi. Cha con em ở trên gác, sát mái nhà và, mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ hở trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà. Lúc này đôi bàn tay em đã cứng đờ ra.

Chà ! Giá quẹt một que diêm lên mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ ? Giá em có thể rút một que diêm ra quẹt vào tường mà hơ ngón tay nhỉ ? Cuối cùng em đánh liều quẹt một que diêm. Diêm bén lửa thật là nhạy. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biếc đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt.

Em hơ đôi tay trên que diêm sáng rực như than hồng. Chà ! Ánh sáng kỳ diệu làm sao ! Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng.

Thật là dễ chịu ! Đôi bàn tay em hơ trên ngọn lửa; bên tay cầm diêm, cái ngón cái nóng bỏng lên. Chà ! Khi tuyết phủ kín mặt đất, gió bấc thổi vun vút mà được ngồi hàng giờ như thế, trong đêm đông rét buốt, trước một lò sưởi, thì khoái biết bao!

Em vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất. Em ngồi đó, tay cầm que diêm đã tàn hẳn. Em bần thần cả người và chợt nghĩ ra rằng cha em đã giao cho em đi bán diêm; đêm nay, về nhà thế nào cũng bị cha mắng.

Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên. Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màn. Em nhìn thấu tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải trắng tinh, trên bàn bày toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kỳ diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi dĩa và mang cả dao ăn, phóng sết, cắm trên lưng, tiến về phía em bé.

Rồi... que diêm vụt tắt; trước mặt em chỉ còn là những bức tường dầy đặc và lạnh lẽo.

Thực tế đã thay thế cho mộng mị: chẳng có bàn ăn thịnh soạn nào cả, mà chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xoá, gió bấc vi vu và mất ngừơi khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm.

Em quẹt que diêm thứ ba. Bỗng em thấy hiện ra một cây thông Noel. Cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây mà em đã được thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có. Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong các tủ hàng, hiện ra trước mắt em bé. Em với đôi tay về phía cây... nhưng diêm tắt. Tất cả những ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.

- Chắc hẳn có ai vừa chết, em bé tự nhủ, vì bà em, người hiền hậu độc nhất đối với em, đã chết từ lâu, trước đây thường nói rằng: "Khi có một vì sao đổi ngôi là có một linh hồn bay lên trời với thượng đế".

Em quẹt một que diêm nữa vào tường, một ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh và em bé nhìn thấy rõ ràng là bà em đang mỉm cười với em.

- Bà ơi ! Em bé reo lên, cho cháu đi với ! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây Noel ban nãy, nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi này; trước kia, khi bà chưa về với thượng đế chí nhân, bà cháu ta đã từng sung sướng biết bao ! Dạo ấy bà đã từng nhủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn cháu sẽ được gặp lại bà; bà ơi! cháu van bà, bà xin với Thượng Đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu.

Que diêm tắt phụt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt em bé cũng biết mất.

Thế là em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Em muốn níu bà em lại ! Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về với Thuợng đế.

Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.

Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.

Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên tử thi em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau: "Chắc nó muốn sưởi cho ấm!." Nhưng chẳng ai biết những cái kỳ diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.

bef34
31-07-2012, 01:48 PM
Hùi íh.... viết thư UPU gửi cho cô bé bán diêm :x

qtuanfashion
31-07-2012, 01:48 PM
Chuyện "cô bé bán diêm" của văn hào người Đan Mạch - Andersen được rất nhiều người biết đến. Song ít người biết rằng cô bé ấy thật sự đã có mặt trên đời này và đã từng đi qua cuộc đời Andersen.

Vào một buổi tối mùa thu, tại một khu phố thuộc thành phố Copenhagne - Đan Mạch.
- Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm !
Một tiếng nói khàn khàn, mệt mỏi chợt vọng đến tai Andersen. Đằng kia, trước mặt chàng hơn mươi bước là một người đang ngồi co ro trên thềm của một ngôi nhà cao ráo. Ánh sáng đèn từ trong nhà chiếu ra cho chàng thấy đó chỉ là một đứa bé con. Hẳn nó đã phát ra những lời vừa rồi.
- Tối lắm rồi sao cháu còn chưa về nhà ngủ ?
Andersen bước đến, ái ngại. Đấy là một cô bé khoảng hơn 10 tuổi, run rẩy trong bộ quần áo vá víu bẩn thỉu. Vai áo rách để lộ đôi vai gày còm. Nhìn gương mặt hốc hác của nó, có thể đoán nó đang chịu cảnh thiếu ăn, thiếu uống từ lâu.
- Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm ! - Tay cầm bao diêm, cô bé chỉ vào chiếc túi con căng phồng bên cạnh, khẩn nài- Cả ngày cháu chẳng bán được gì, cũng chẳng ai bố thí cho cháu đồng nào.
Cô bé rơm rớm nước mắt. Thân hình tiều tụy ốm yếu của em run lên khi gió lạnh thổi qua.
- Thế sao ? Andersen động lòng.
Chàng khẽ vuốt mái tóc dài xoăn thành từng búp trên lưng cô bé.
- Gia đình cháu đâu cả rồi ? Không ai lo cho cháu sao ?
Cô bé buồn bã lắc đầu. Em bùi ngùi kể lại những năm xưa khi còn sống trong ngôi nhà xinh đẹp với những dây trường xuân leo quanh. Từ khi bà em qua đời, gia sản lụn bại, gia đình em phải lìa bỏ mái nhà thân yêu đó để chui rúc trong một xó xỉnh lụp xụp, tối tăm.
- Không có tiền cháu đâu dám về nhà vì bố sẽ đánh chết thôi ! Cô bé nhìn Andersen, đôi mắt cầu khẩn.
Thực vậy, em có một người cha ác nghiệt. Hơn nữa về nhà cũng chẳng hơn gì. Hai cha con chen với nhau trên một gác xếp tồi tàn, gió rét vẫn lùa vào được dù đã bít kín những lỗ thủng trên vách. Lúc này, đôi chân cô bé đã lạnh cóng, em mang đôi giầy vải mòn cũ do mẹ em để lại.
- Cháu đừng lo ! Abdersen cho tay vào túi lấy ra một số tiền đặt vào bàn tay bé bỏng của em
- Còn bấy nhiêu chú cho cháu cả. Cháu về nhà mau kẻo chết cóng mất.
- Ôi, lạy Chúa ! Vẻ đầy mừng rỡ, cô bé hôn tíu tít lên tay chàng - Từ ngày bà cháu mất đi, chú là người thương cháu nhất trên đời này. Với món tiền này, bố con cháu sẽ được nhiều bữa no. Nhưng... cô bé bỗng đăm chiêu... Nếu chú cho cháu hết thì tiền đâu chú sống, hở chú ?
- Sao cháu khéo lo thế ? Chàng mỉm cười, nụ cười đầy hiền dịu - Chú sẽ còn cho cháu nhiều thứ nữa. Chú sắp đi xa, đầu năm tới mới trở lại nơi này, khi ấy chú sẽ tặng cháu một món quà đặc biệt.
- Ồ, thích quá ! Còn cháu, cháu cũng sẽ tặng chú một món quà. Mà chú tên gì nhỉ ?
- Chú là Andersen - Chàng âu yếm nắm đôi vai gầy của cô bé - Có bao giờ cháu nghe đến tên ấy chưa ?
- Tên chú nghe quen lắm - Cô bé nhìn đăm đăm gương mặt trầm tư có chiếc mũi khoằm của chàng
- Chú có phải là thợ mộc không ?
- Không phải ! Andersen mỉm cười lắc đầu.
- Thợ may ?
- Cũng không.
- Hay chú là bác sĩ ?
- Ồ, không phải đâu. Thế này này...
Chàng đưa ngón tay trỏ viết viêt vào không khí, vẻ hơi đùa cợt.
- A ! Cô bé reo lên - Cháu hiểu rồi, chú làm nghề bán bút !
Andersen chỉ tủm tỉm cười. Chàng thấy yêu cô bé quá. Em khiến chàng, một nhà văn thề suốt đời gắn bó với tuổi thơ, nhớ đến thời thơ ấu của mình và thành phố Odense cổ kính, nơi tuổi thơ của chàng êm ả trôi qua. Là con một trong gia đình nên dù cha chỉ là một bác thợ giày nghèo, cậu bé Andersen hầu như chẳng phải mó tay đến bất cứ một việc gì ngoài mỗi việc là mơ mộng liên miên. Cậu bé lắm khi chỉ thích bầu bạn với chiếc cối xay già nua đứn run rẩy trên bờ sông hiền lành của thành phố quê hương. ...
Sau đó Andersen đi du lịch đâu đó... và chàng đã quên luôn lời hứa với cô bé bán diêm. Khi về thăm lại khu phố năm nào, chàng tự trách mình đã quá mải mê với chuyến viễn du đến nỗi quên khuấy đi lời hứa với cô bé bất hạnh mà giờ này hẳn đang lang thang đâu đó với chiếc túi đựng đầy diêm. Phải mua ngay cho em một chiếc áo len, một chiếc áo lông cừu dày và thật ấm để em qua được cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông...
Và Andersen sau những lần dò hỏi tin tức của em bé bán diêm, được ông chủ hiệu quần áo cho biết :
- Con bé chết rồi còn đâu. Ngày đầu năm mới người ta nhìn thấy em bé chết cóng tự lúc nào ở một góc đường giữa 2 ngôi nhà. Cái chết cứng đờ của nó ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẳn. Có lẽ nó muốn sưởi cho ấm. Có điều lạ là hai mà nó vẫn hồng và miệng nó như đang mỉm cười. - À này, ông ta tiếp tục trước khuôn mặt chết lặng của Andersen, khi mang xác nó đi người ta thấy trong túi nó rơi ra vật gì giống như một chiếc quản bút làm bằng những bao diêm. Hẳn nó để dành tặng ai, vì trên chiếc quản bút có ghi dòng chữ : tặng chú Andersen.
Andersen quên khuấy món quà ông định tặng cho cô bé bán diêm. Nhưng cô bé, cô bé vẫn nhớ tới lời hứa của mình với vị khách tốt bụng của buổi tối mùa thu. Hơn nửa thế kỷ qua, hàng triệu con người trên trái đất đã nghe tim mình thổn thức mỗi khi đọc câu chuyện về cô bé đáng thương của văn hào Đan Mạch. Phải chăng Andersen đã viết câu chuyện ấy như một món quà để tặng hương hồn cô bé bán diêm ?
(Trích từ Ước Mơ Xanh)