View Full Version : Người vợ bắc kì !
accap
30-07-2012, 01:28 PM
****** Lời mở đầu: Bắt đầu từ đây tôi xin trích nguyên văn truyện : mọi người nếu chú ý đóng đọc thì sẽ thấy vô cùng thú vị
*
Tôi lấy vợ bên Mỹ này . Vợ tôi người Việt, sinh trưởng bên Lào và định cư ở tiểu bang cách tôi nửa ngày đường lái xe.
Tôi người Sài Gòn, qua Mỹ ở tuổi thanh niên. Chưa một lần nhìn thấy Việt cộng. Tôi nói giọng Nam nên vợ tôi là một kho tàng để khám phá ngôn ngữ gốc của miền Bắc. Tôi viết câu truyện ngắn và hi vọng được học thêm tiếng Hà nội để làm giàu cho vốn ngữ vựng Bắc Kỳ hạn hẹp của tôi .
Chào kết thân .
Tôi lập gia đình năm 30 tuổi. Nhà tôi 25 tuổi. Ở tuổi tam thập thì lấy vợ là thường, có gì lạ mà phải viết với lách. Đương nhiên chuyện tôi lấy vợ thì nĩi làm gì, tôi chỉ muốn kể lể về nhà tôi mà thơi, vả lại, năm nay kỷ niệm đúng mười năm thành hơn của hai vợ chồng tôi. Ơn cố để tri tân vậy.
Nhà tôi người bắc kỳ. Theo lời ông thân sinh ra nhà tôi, thì năm 54, số người di cư từ miền bắc có hai thành phần: bắc kỳ tàu hỏa và bắc kỳ há mồm. Nhà tôi là hậu duệ của nhóm thứ nhất. Không hiểu sử liệu có phân loại như thế chăng? Có điều ông thân nhà tôi cứ nằng nặc đòi mình là bắc kỳ tàu hỏa. Có lẽ ông hãnh diện về bước chân Nam tiến của mình. Hồi đó, loạt bài của Phạm Quỳnh viết về miền tây, làm nổi lên làn sóng người đổ xô đi đãi vàng. Ông thân nhà tôi là một trong đám người mạo hiểm đó.
Gốc gác từ Bùi Chu, Phát Diệm, nơi phát xuất hầu hết những tràng kinh cũ mẻm như “Phục rĩ chí tôn” ông lầm nhầm câu “Vị thần đẳng kỳ” làm bùa hộ mạng trong suốt đường lưu lạc. Nơi cuối cùng ông dừng chân là Vạn Tượng trong vương quốc Lào. Nhà tôi sinh ra ở đây.
Người Việt, sống bên Lào, học trường tây, di cư sang Mỹ hấp thụ nền văn hoá tạp chủng, tất cả đều nửa vời nên nhà tôi trở thành cái khạp chứa đựng linh tinh cụ mà vật gì cũng quí giá cần thiết nhưng lại không thành đôi thành bộ. Về tính tình, nàng có vô tư của Lào, e lệ của Việt, tự do của Mỹ, phóng khoáng của Tây, tất nhiên bao gồm đủ nét đặc thù mà chỉ tôi mới thông cảm. Mẹ tôi thì không hiểu cho như vậy.
Tôi quen nàng trong một ngày linh thao giáo xứ tổ chức. Ngày mới dẫn về ra mắt, gọi là ra mắt cho oai chứ thật ra tôi vẫn còn trong giai đoạn tán tỉnh, nên không chủ trương được mọi việc. Tôi chỉ nhân tiện, mời nàng về thăm gia đình, nàng cả nể đi theo. Việc này làm tôi bị một mẻ hố to. Tôi còn nhớ rõ lắm, hôm ấy là ngày thứ bảy, gia đình tôi có thói quen gặp nhau tán gẫu và chơi bóng chuyền. Vừa mới gặp nàng, mẹ tôi đã lắc đầu quầy quậy.
- Mày gặp con bé này ở đâu đó con?.
Tôi thì thào:
- Gì vậy mẹ?
- Xem váy nó mặc kéo đến Ngã Ba Ông Tạ thế kia. Thày mày sắp về rồi đấy.
Tôi kịp ngó lại ngẩn người. Nhưng cố vớt vát:
- Đó là mốt bây giờ mà mẹ. Người ta ăn mặc bây giờ còn hãi hơn thế.
- Hơn thế là sao ? .... là cởi truồng hả? Thày mày về đến nơi rồi đấy.
Tôi biết mẹ tôi mỗi khi có chuyện gì không vừa ý, thường hay có thói quen mang thày tôi ra làm ngáo ộp. Vả lại, lúc này lũ em tôi đang vây quanh nàng để nói chuyện, nên tôi tạo khuôn mặt tiến thoái lưỡng nan để chứng tỏ cho mẹ tôi là tôi cũng muốn vâng lời người, nhưng cực chẳng đã đấy thôi. Để du di câu chuyện và bắt người cùng phe với mình, tôi vờ vĩnh:
- Thày về, mẹ báo con ngay nhé. (Tôi gọi bố tôi bằng Thầy.)
Mẹ tôi đáp xuôi:
- Cha mày !
Tôi quay mặt đi tủm tỉm.
Lúc này, nàng đã hội nhập ngay với lũ em tôi và nói cười thoải mái. Chơi banh nàng cũng gân cổ hò hét hết mình. Lúc nâng banh cũng như lúc đập, nàng quên cả mình đang mặc mini-jupe. Trong mọi môn thể thao, hơn bao giờ hết, tôi thấy bóng chuyền là môn vô duyên nhất. Trò chơi này không dành cho phái nữ.
(còn tiếp)
duyenhai01
30-07-2012, 01:28 PM
Chắc hẳn lúc này, mẹ tôi đang đứng sau cửa và chăm chú nhìn ra. Lũ em tôi thấy nàng ngộ ngộ, mặc dầu bỡ ngỡ, nhưng chúng có vẻ khoái tính tình nàng. Đứa em gái mon men đến gần to nhỏ:
- Anh không tán được chị ấy đâu.
Tôi tự ái chống chế.
- Cứ mở mắt ra xem.
Đứa em gái lo âu:
- Anh cũng không hợp với chị ấy đâu.
- Sao vậy
- Chị ấy “Mỹ” quá.
Tôi thấy nó có lý, đáp lại nhưng với giọng yếu xìu:
- Để rồi xem.
Có thể chính đứa em gái không biết, cũng có thể chính tôi cũng chẳng hay là mẩu đối thoại nhỏ này thọc trúng yếu huyệt. Tính tự tôn trong tôi bùng dậy. Tôi quyết tâm chinh phục nàng cho được mới nghe. Lũ em trai vì khoái nàng nên vô tình đẩy tôi đi xa hơn. Tôi cứ thế tiến dần và rốt cục là một đám cưới khá linh đình. Trong mọi lúc, mẹ tôi luôn đứng ngoài vòng tình cảm riêng tư của tôi.
Ngày mới về làm dâu, Thày tôi thay vì đóng vai trò “kính nhi viễn tri” để thăm dò tính tình tốt xấu của nàng như những chị dâu khác, thì lại hay trò chuyện với nàng. Qua nàng, thày tôi tìm lại được những tử ngữ tưởng như đã mất sau cuộc di cư. Hoá ra những người di cư sang thẳng bên Lào, họ bảo tồn được những cổ ngữ của địa phương thời trước 54. Họ không bị nam hoá như những người đi bằng tàu há mồm vào nam bộ. Thí dụ như khi đang lái xe trên xa lộ, nàng nói:
- Hãm phanh lại ngay, không cẩm bắt bỏ bót.
Trong khi chúng tôi ngơ ngác thì thày tôi cười hả hê như thể mình gặp tri kỷ. Mặc dù tuổi tác chênh lệch đến 3 giáp, nàng đã chiếm ngay cảm tình của thày tôi. Chuyện này ban đầu mọi người tưởng thày tôi “chính trị”, nhưng sau mới biết thày tôi thích nàng thật tình. Khi có dịp gặp gỡ, lũ em tôi luôn vây quanh nhà tôi mà hỏi những chữ mẹ đẻ của chúng. Chắc nàng cũng không phân biệt được là chúng nó mua vui hay thật tình muốn học. Khi chúng thích thú, nhà tôi cũng khoái chí cười khanh khách hoà điệu với lũ em. Chúng hay tụm nhau lại hỏi:
- Thế xe cứu hoả thì chị gọi là gì?
- Xe vòi rồng
- Còn lính tráng?
- Hiến binh
- Chiên
- Rán
- Cái ly
- Cái cốc
- bát to
- Cái liễn
- bát nhỏ
- bát đàn ... v.v..
Cuộc nói chuyện cứ thế nối tiếp như một thí sinh trả lời vấn đáp của hội đồng giám khảo. Hình như nàng cũng sung sướng khi được người hỏi han, vì bằng chứng là tụi nhỏ cũng chỉ có ngần nấy câu hỏi lặp đi lặp lại, mà chưa lần nào nàng tỏ ra phiền lòng.
Thích thú nhất là mỗi khi đọc kinh tối. Nàng không giầu ngôn ngữ để có thể tự chỉnh những câu đọc sai. Nàng luôn tin những câu nàng đọc là đúng, là thật, có thể chính vì sự tin thật này làm cho chúng tôi tưởng nàng ngây thơ chăng. Gia đình tôi có thói quen đọc kinh chung. Nhưng đến khi đến chỗ nàng đọc sai thì kể cả thày tôi, mọi người giả vờ lấy hơi để nghe nàng trơ trọi đọc rõ một mình:
( Mời các bạn tiếp tục đón đọc ... ở phần sau :D - Mỗi ngày 1 đoạn ngắn ngắn :D )
bsff20
30-07-2012, 01:28 PM
- Lạy Chúa tôi, Chúa là đấng trọn tốt trọn lành. Chúa đã “rựng” nên tôi.
Và nhiều, nhiều lắm, cứ thế chúng tôi cứ bấm nhau cười một mình. Có lần bất kể sự nghiêm trang của buổi kinh nguyện, một đứa em không nín được, bất giác cười to lên. Tiếng cười như có ma lực làm mọi người không nín được cũng hoà theo. Khi người ta cười mà cố nhịn ngay được thì dễ nín. Nhưng khi để nó phát triển to ra thì không hãm lại được nữa. Cả gia đình người nọ nhìn người kia cười liên tục, đỏ mặt, tía tai, không kịp lấy hơi, cứ thế nhe răng không ngậm lại được đến hơn chục phút. Nhà tôi lúc đấy không biết họ cười gì, cũng thích chí cười theo làm mọi người vừa nhìn đến, lại ôm bụng ngặt nghẽo. Những trận cười vô tội vạ ấy lâu lâu lại được diễn ra một lần làm cho nàng mới mãi. Không phải tôi mang ra nhà tôi ra làm trò cười cho thiên hạ. Chắc chắn phải có một cái gì đó mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa khám phá ra. Tôi bỏ nhiều giờ ngồi ngẫm nghĩ và phân tách từng chi tiết nhỏ. Nàng không phải là người khờ dại. Nàng từng bàn cãi với tôi về nhiều đề tài. Về mặt kiến thức nàng cũng không nghèo. Thế thì tại sao.......?? Tôi chịu thua.
Ngày mang bầu đứa con thứ nhất, nàng khóc tỉ tê vì bầu sữa tăng trưởng nhanh hơn núm vú. Nàng không ngần ngại chạy ngay vào buồng kể lể với mẹ tôi. Tính tò mò ngây ngô của nàng đáp ứng lại nhu cầu hiếu động của mẹ tôi. Đã từ lâu, con dâu cũng như con đẻ, ít ai cho mẹ tôi thấy mình hữu dụng. Mẹ tôi hầu như dành mọi thời gian giảng giải cho nàng. Hai mẹ con chuyện này chuyện nọ rất thân mật. Cử chỉ vô tư của nàng nhiều lúc quá đà, mẹ tôi không lấy thế làm phật lòng, mà trái lại, lắm lúc nàng làm cho mẹ tôi quên cả vai trò mẹ chồng của mình. Những chuyện xảy ra hàng ngày như chuyện trong bàn ăn, nàng cắn nguyên quả cà bằng răng cửa, hạt phun ra bắn vào mặt người ngồi đối diện, hay chuyện nàng đang ăn xíu quách trịnh trọng mời mẹ tôi:
- Mời mẹ gặm xương ạ.
Bà phì ra cười chứ không nghe trách mắng gì. Tình thế này xem ra có mòi thuận lợi nên tôi cứ để mặc, không khuyên bảo hoặc cản ngăn.
Ngày lễ vàng, kỷ niệm 50 năm thành hôn của thày mẹ tôi. Nàng ra tiệm sách mua về đủ loại sách dạy làm bánh pháp. Loại sách này màu mè nên chẳng rẻ. Tôi sót ruột lắm, nhưng làm sao có thể can ngăn thiện ý của nàng. Vả lại, người nàng ước mong tặng quà lại là thày mẹ tôi. Nàng thức trắng hai ba đêm liền để hoàn thành chiếc bánh. Quả thật tiền nào của nấy. Chiếc bánh đẹp thật. Mười hai chiếc bánh nhỏ tượng trưng 12 đứa con quây quanh một chiếc bánh lớn. Nàng còn khoe tôi là nàng biết tiết kiệm bằng cách dùng hoa lá trong vườn để trang điểm cho những chiếc bánh. Nhẩm tính giá thành của chiếc bánh so với ngoài chợ hơn chục lần, tôi ngao ngán châm biếm:
- Nếu mà như người ta thì tốn kém lắm em nhỉ.
- Nàng hớn hở gật đầu.
Chuyện không dừng ở đó, nàng khóc tấm tức như đứa trẻ lên ba khi khám phá ra tấm phản gỗ đựng những chiếc bánh to quá, không bưng lọt cửa. Tôi lại phải thức suốt đêm dỗ dành như bố thí con. Bụng tức anh ách, vì phải ưu tư về chuyện không đâu. Ngoài kia chiến tranh vùng vịnh đang hồi cao điểm, thị trường chứng khoán trồi sụt hàng ngày, tôi có chuyện phải làm còn to tát hơn nằm đây ve vãn câu chuyện chiếc bánh. Rốt cục, cực chẳng đã, tôi phải nhắm mắt phá cửa để mang chiếc bánh ra.
hwakyungbc
30-07-2012, 01:28 PM
sự ngây thơ này không biết thật hay giả nữa ;))
Anh... sao post ít dzạ? :(
huongmoi
30-07-2012, 01:28 PM
Nhìn nụ cười rực rỡ của nàng, tôi nhớ đến chuyện U-Vương, Bao-Tự mà chột dạ.
Trước hôm mừng lễ kim khánh, nàng kêu gọi các em tôi trang hoàng lại nhà cửa. Để gây sự ngạc nhiên, một đứa em giả vờ chở mẹ tôi đi xa thăm người thân, phần còn lại gia sức thu dọn cho kíp. Nàng hăng hái thu dọn phòng ngủ. Lũ em tôi bị nhiệt tâm của nàng kích thích nên hết sức gia công. Màng nhện lâu ngày được quét đi, sơn phết lại những nơi cáu bẩn, mua thêm hoa quả trưng bày. Cả căn nhà được hồi sinh trông lộng lẫy hẳn lên. Đặc biệt là trong phòng ngủ, nàng tỉ mỉ xếp đặt lại các nơi lộn xộn, tô điểm thêm thắt thành nét tây phương. Đám em tôi suýt soa:
- Trông giống như phòng tân hôn.
Nàng nghe được, phấn chấn tô vẽ thật dày công.
Khi mẹ tôi về tới, choáng mắt vì kỳ công của nàng nên hết lời khen ngợi. Mẹ tôi nhìn phòng ngủ sung sướng, khuôn mặt thoáng điểm nét e thẹn thời con gái:
- Thật vẽ chuyện! Thày mày sắp về rồi đấy.
Trong cao điểm của ngày vui, chúng tôi thấy mẹ tôi nhớn nhác như tìm cái gì. Bà hỏi nàng:
- Con thu phòng có thấy chiếc vớ mẹ để dưới
gầm giừơng không?
Nàng mau miệng:
- Bẩn quá, con vứt hộ mẹ rồi. Trong nhà còn nhiều mẹ à.
Mẹ tôi xanh mặt, im lặng. Ở lâu quen nết, chúng tôi đoán biết có chuyện chẳng lành. Chỉ riêng nàng thản nhiên coi như ngày vui của chính mình nên nói cười luôn miệng. Nàng có biết đâu cùng lúc đó, mẹ tôi tê tái đi lục tung đống thùng rác để rồi ôm mối thất vọng. Sau này biết chuyện, chúng tôi bảo nhau gom góp mỗi đứa một phần rồi giả vờ tìm lại chiếc vớ. Mẹ tôi nhìn đám giấy bạc không cùng loại, người hiểu ra và thở dài:
- Cha mày! Nhưng lần này vắng câu dọa: “ Thày
mày sắp về rồi đấy.”
Kể từ đó, mỗi khi thấy nàng bắt đầu thu dọn, lũ em tôi nhanh nhẩu xung phong liền:
- Để em.
Người ngoại cuộc nhìn vào ắt hẳn ngạc nhiên lắm.
Qua những bài học như trên, dần dà chúng tôi nhận thức được, là từ khi có nàng, việc đổ rác không còn là chuyện dễ dàng như ngày xưa. Sau mỗi lần nàng thu nhà, người hữu trách phải biết cách lục thùng rác, phân loại, rồi phải minh định thành phần xem có đúng thực là rác hay ngược lại, trường hợp sau thì phải kíp thời loan báo khổ chủ. Riêng mẹ tôi thì học được bài học nhẫn nại. Từ rày về sau, cứ mỗi lần nàng dọn dẹp, mẹ tôi lại chăm chỉ ra thùng rác bới lại. Nếu nàng có tần mần hỏi han, thì người luôn từ tốn:
- Mẹ tìm chiếc vớ
Lẽ đương nhiên lời bình của nàng sẽ rất vô tư:
- Trong nhà còn nhiều mẹ à.
Chuyện đại loại như vầy xảy ra nhiều lần. Mỗi lần có chuyện gì lớn trong gia đình như đám hỏi, lễ cưới v.v. chúng tôi xót ruột nhìn nàng tuốt những cành hoa lan cao giá mà nàng tỉ mỉ trang hoàng kể cả những nơi hẻo lánh nhất. Có hỏi thì nàng trả lời:
- We have to pay attention to details. mà tôi tạm dịch là “ta phải điểm thêm nét chấm phá.” Lũ em tôi đồng tình với lối dịch thoát này vì mấy nét này rất phá ... hầu bao !
Lẽ dĩ nhiên lần nào tụi tôi cũng giải quyết chung và thường là dấu nàng. Chỉ khi vấn đề đi ra ngoài xã hội thì tôi mới phải giải quyết một mình. Tôi còn nhớ rõ lắm, ngày nàng tình nguyện bỏ công giúp đội dâng hoa của giáo xứ. Nàng xung phong làm hoa cho 50 em nhỏ. Mỗi em có hai cánh tay thì vị chi là 100 bó hoa phải làm. Lần này cả giáo xứ trầm trồ vì những bó hoa tươi xinh đẹp đầy nghệ thuật. Đẹp là phải. “Mua cả cành, ngắt một đóa”ù thì sao mà không vượt yêu cầu. Họ có biết đâu tôi phải trả giá rất đắt cho những lời trầm trồ này. Nhìn nàng sung sướng với lời khen tụng, tôi bóp dạ sửa lại hoá đơn cho còn một nửa. Dẫu vậy, bụng tôi vẫn áy náy không biết nhà thờ nghĩ sao về số tiền hoàn phí mà chắc chắn lớn hơn dự kiến.
(còn tiếp)
Truyện này tôi viết về nhà tôi, chuyện sẽ lan man dài dài vì đến nay hai đứa tôi vẫn còn sống . Khi tôi viết chuyện này, nhà tôi cũng ngồi bên và nhờ tôi đọc cho nghe. Nàng vẫn phải đánh vần mới đọc được chữ Việt Nam. Phần nhiều thì nàng đoán. Nếu tôi bỏ giờ đọc lại cho nàng nghe, thì nàng hiểu .
Qua truyện lan man này, các Bạn sẽ thấy những khó khăn nhưng không hẳn là xung khắc của hai văn hoá, thế hệ.
Các Bạn cũng sẽ thấy sự trao đổi, hàn huyên giữa một người con dâu bị Mỹ hoá 95% và bà mẹ chồng xưa như Diễm. Mẹ tôi, già và cũ như hàm răng đen thủa xa xưa chưa mờ, mẹ tôi và nhà tôi, chiều chiều vẫn ra vườn cùng nhau chăm bón khóm ngò gai, và tía tô mà cả hai quý như vàng .
Lần tới : Mang bầu, chọn tên con, và tranh cãi về việc cắt da quy đầu .
goldenbee.admin
30-07-2012, 01:28 PM
Nàng sống như chẳng hề lo nghĩ. Gió lạnh, nàng chùm chăn, nóng nẩy, nàng rủ đám em đi tắm hồ. Mọi việc trên đời như dựng nên để an bài săn sóc cho cuộc đời nàng. Nàng tự nhiên như thú trong rừng, vô tư như chim nghểnh mỏ. Nhà tôi cũng không hề chủ ý chinh phục cảm tình ai. Nàng sống như một con sóc nhởn nhơ chuyền cành. Đói thì lục lạo, buồn thì kiếm việc làm quanh, ai nhờ thì hăm hở giúp đỡ, vui thì mở miệng ca hát rùm trời.
Nàng cũng không a dua theo đòi ăn mặc. Tôi khuyến khích nàng học may. Nàng may được một bộ đồ vest màu vàng mà sau này mấy chị dâu tôi phải kêu lên, vì đi đâu nàng cũng độc bộ. Nhẩm ra cũng bốn cái giáng sinh rồi, nàng vẫn chưa may áo mới.
Trong những bữa ăn gia đình, nàng cứ thảnh thơi ghé mông xuống ghế đầu bàn mà theo phong tục gia đình đó là ghế chủ tọa. Chúng tôi bấm nhau, thày tôi đưa mắt mỉm cười.
Riêng đối với hai đứa tôi, một tiểu gia đình trong đại gia đình thì lắm tình trạng cám cảnh. Nàng chẳng hề để ý trong công băng còn bao nhiêu. Có tiền là tiêu. Có chi phiếu là viết. Ra khỏi chợ, nắn túi còn tiền thì lại trở vào để mua cho hết. Tôi rầu lắm nhưng không dám nói thẳng chỉ nói bóng gió.
- Ăn uống thế này sẽ đẻ con hoàng tử.
Nàng tưởng thật.
- Chợ vẫn còn một ít, em mua thêm nhé.
Tôi nói mát.
- Mua cho hết chợ đi.
Chiều hôm ấy, sàn nhà tôi có những con tôm hùm bò lổn ngổn. Lũ em đùa nghịch trên sự đau khổ của tôi nên vui vẻ đến giúp nàng thanh toán. Mọi người liên hoan mừng rỡ, chỉ có chiếc ví lép dưới mông tôi đang tỉ tê than thầm.
Thế rồi vợ chồng tôi không còn ở chung với thày mẹ nữa. đứa con “hoàng tử” tôi nhiều lúc tự phục mình là đã đi hết một đoạn đường dài. Nhưng khi phóng mắt vào quãng đường trước mặt thì ngao ngán không dám nghĩ xa hơn.
Tôi im lặng tự trấn an:
- Trời sinh voi, trời sinh cỏ.
Nhà tôi không già đi nhiều theo năm tháng. Đặc biệt, nàng còn giữ nguyên tính tình đơn sơ. Chỉ riêng tôi, trán đã thoáng nếp nhăn. Tôi tự an ủi:
- Nếu không có những trận cười nàng cho thì chắc còn nhăn hơn nữa.
Tôi nhiều lúc muốn đọc cho nàng nghe truyện Trang truyện Khổng, kể cho nàng biết tứ đức tam tòng. Nhưng lại sợ khuôn phép làm mất đi tánh tự nhiên của nàng. Tôi hỏi thầy tôi, người lại trả lời nước đôi. Nhìn đứa con gái giống khuôn mặt mẹ nó in hệt, và mặc cái mini-jupe suýt đến "Ngã Ba Ông Tạ", tôi nhớ đến mẹ tôi và trình người nỗi ưu tư. Mẹ tôi trả lời huề vốn:
- Hy vọng vợ mày không mất vớ.
Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn phân vân chưa quyết định.
Bạn nghĩ sao ?
thanhhacfurniture
30-07-2012, 01:28 PM
Kể từ ngày mang thai đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi đã dọn xuống căn nhà dưới . Ngày xưa khi mới qua Mỹ, Thầy Mẹ tôi mua lại căn nhà này của một người Mễ . Phong tục tập quán của Mễ cũng có nhiều điểm na ná như của ta, tức là thích gần gũi người thân . Mễ cũng như Việt, cả hai đều có sở thích sống dính chùm với nhau . Căn nhà này lúc trước là một cái garage được sửa lại . Tiện nghi cũng đầy đủ, tức là có cả nhà vệ sinh và bếp núc riêng . Khi mới được dọn xuống nhà dưới, Nàng sung sướng lắm. Nàng trang hoàng căn phòng xập xệ này và xắp xếp cứ như con nít chơi bán đồ hàng. Thôi thì đủ loại hoa hoè hoa sói . Tường nhà, thay vì sơn phết, nàng mua lấy những miếng vải thừa, và may lại thành miếng to để bọc . Thấy hay hay ngộ ngộ nên tôi cứ yên mắt ngó . Đúng ra thì tôi không có con mắt nghệ thuật . Những miếng vải trong mắt tôi được thực tế hoá . Chúng chính là một loại cách nhiệt tốt để giữ hơi nóng cho mùa lạnh tới . Trong ngăn đá của chiếc tủ lạnh cỏn con, cá được để trong hộp có đề chữ “cá”, thịt để trong hộp có đề chữ “thịt” v.v. Tôi châm chọc :
- “Nếu không đề như thế thì coi chừng nhìn con cá lại tưởng là thịt” nàng không hiểu tôi nói xách mé nên mau mắn đồng ý.
Chiều đến, tôi nghịch ngợm bằng cách xách con cá cho vào hộp thịt, và đòi xách thịt ra chiên dòn.
- Nàng thấy lạ nên xen vào, sao lại đi chiên thịt ?
- Đâu có, đây là cá mà, rõ ràng nó ở trong hộp đề chữ “cá” rõ ràng.
Chuyện có thế mà nàng giận tôi suốt buổi không chịu nói với tôi lời nào. Tôi nghĩ đây cũng là giỡn có duyên nên mặc dù miệng năn nỉ nhưng quay đầu ra chỗ khác đắc ý tủm tỉm cười một mình.
Nếu so sánh các sinh vật thụ tạo trên trái đất, giống cái được Thượng đế ưu đãi ban cho những khả năng mà khoa học tân tiến hiện thời không giải thích được. Đặc biệt là trong lúc mang thai, thính, thị, xúc, vị, khứu giác của sản phụ bỗng dưng trở nên minh mẫn tinh quái lạ thường. Sự bén nhạy quá sức của ngũ giác trong thời gian này kết lại thành khối để nẩy ra một giác quan nữa mà người đời đặt tên cho là giác quan thứ sáu. Nhà tôi sử dụng giác quan mới này thành thuộc như một trực giác. Chính vì thế mà , thất tình (hỉ, nộ,ai, cụ, ái, ố, lạc) trong thời gian này trở nên sắc bén trước mọi tình huống. Giác quan mới và sự thay đổi thất thường về tính tình làm lục cực trong tôi xếp hàng sáu.
KHỨU GIÁC
Trong thời gian mang bầu, Nàng đánh hơi được mùi thoang thoảng của gas xì ra từ một cái pilot light trong lò bếp . Cả bao lâu nay, cái bếp cũ kĩ này phải mồi bằng hộp quẹt mà có chết thằng tây nào, nay tôi phải xì tiền mua một cái lò mới toanh . Tôi lém lỉnh :
- “Cái bếp này choé quá, nhà này đến phải phá đi để xây cái mới thì mới xứng đáng với nó”
Nhà tôi góp lời :
- “Thôi anh ạ, đừng làm ngay, đợi em sinh con đã “
THÍNH GIÁC
Kể từ ngày lập gia đình, mỗi tối khi nằm bên nhau, chúng tôi hay có thói quen trao đổi những chuyện xảy ra trong ngày . Khi không còn gì nói nữa, thì cả hai quay ra ngủ . Nhưng cái thói quen đó dường như không được phép thành nết như bao chuyện tuần tự khác, chỉ vì nàng mang thai . Cái thính giác bén nhậy của Nàng phá tôi . Cái vòi nước nhà bếp bị rò rỉ, rơi từng hạt xuống bồn thành tiếng tóc tách . Tự lâu rồi, chuyện chiếc vòi nước rỉ đôi khi cũng được đưa ra làm đề tài để rắng tới . Tiếng tóc tách trong đêm trường thinh lặng, có khả năng đem lại sự bình an cho hai tâm hồn vô tư lự bấy lâu, nay biến thành sự cố . Thời gian khoảng 1 giờ sáng . Không gian là buồng ngủ :
- “Anh à “
- “Gì em”
- “Anh có nghe thấy không?”
- “Gì ?”
- “Tiếng vòi nước”
- “Sao ?”
- “Anh nghe đi”
- “Anh nghe rồi “
- “Nó kêu ra sao ?”
- “Nó kêu tọc, tách “
- “Không anh à, giờ nó chỉ kêu tọc, tọc thôi “
- “Thì kệ nó “
- . . . . .
Năm phút sau :
- “Anh à”
- “Gì em”
- “Sao nó không kêu tách ?
- “Thì kệ nó”
- “Hay để em ra xem nhé “
Tôi khó chịu lắm, khốn nạn, tọc hay tách thì mắc mớ chi đến mình, nhưng nói ra thì lại thành chuyện. Tôi nén sự nặng lòng mà nói qua cuống họng với giọng nửa ngái ngủ, nửa lừng khừng để mặc cả :
- " Tọc cũng được, mà tách thì đã sao ? Để mai hẵng, đi ngủ đi .
Nàng dẩu mỏ, phụng phịu, cực chẳng đã, tôi lại phải lẹp bẹp đôi dép ra vặn tai cái vòi trả thù . Miệng lầm bầm :
- "Mả mẹ mày, bấy lâu nay tọc tách, giờ lại giở quẻ ."
Tôi bặm môi ghì chặt, cái vòi trêu ngươi, ì ra đó với tiếng đơn điệu tọc tọc . Tôi cáu tiết dùng kìm xiết mạnh, van chịu không nổi nên bể nát và nước oẵng ra thành vòi .
Tôi cáu tiết quát ầm :
- " Đéo mẹ mày nữa, hỏng thì cho hỏng luôn đi ! "
Tiện tay tôi cầm kìm phang vào vòi nước mấy cái . Quay lại sau, đã thấy nàng xanh mặt nhìn tôi sợ hãi . Chắc đây là lần đầu nàng thấy cơn giận cũng như tính tình thật của tôị Bỗng đưng tôi hối hận và thay vì giận nàng, tôi quay ra giận chính mình . Tôi giả lả :
- " Anh bị dập tay nên nổi quạu, em vào ngủ đi "
Giọng nàng hốt hoảng lẫn thương xót :
- "Đưa em xem nào ! "
Lẽ dĩ nhiên không đời nào tôi đưa, tôi không thể biến thành kẻ nói dối ! Nhất là dối vợ mình .
XÚC GIÁC
Tiếp đến là chuyện cái máy sưởi . Theo thói quen hàng đêm, Nàng hay ủ chân vô lưng tôi . Chẳng hiểu sao ngày mới cưới nhau, tôi cũng thích thích bàn chân di di gãi gãi vô lưng . Làm lâu nên nết, nếu không có chân nàng đụng vào, tôi thấy thiêu thiếu . Còn Nàng, nếu không được áp chân vào lưng tôi, thì không ngủ được . Nhưng kể từ khi có bầu, thân thể nàng nóng lạnh bất thường . Người có thể nóng hừng hực, nhưng chân nàng lại đông lạnh như nước đá . Đã bao đêm liền, tôi cắn răng đưa lưng cho nàng ủ chân mà không hề than vãn . Thời gian gần đây, Nàng không đi ngủ sớm mà cứ lạch cạch chuẩn bị sắp xếp quần áo, thu dọn cái nôi cái tã chờ đón đứa con đầu đời . Cái khốn khó là lúc khoảng hai ba giờ sáng, khoảng thời gian này là lúc giấc ngủ đậm đà nhất trong đêm . Tôi có tật dỗ giấc ngủ hơi lâu, nên đến khoảng giờ đó là lúc say sưa nhất . Khốn khổ thay chính lúc này nàng mới ngập ngừng đưa chân áp vào lưng . Phản ứng tự nhiên làm tôi choàng chổm dậy . Tôi thần hồn nát thần tính, mơ màng tưởng như vẫn còn thời sinh viên bị tụi bạn chơi khăm nên không giữ được miệng :
- “Đéo mẹ, ông dộng thấy mẹ mày bây giờ “
Tiếng oà khóc lên làm tôi bỡ ngỡ, và rồi hốt hoảng nâng nàng dậy :
- “ Là em à, anh cứ tưởng là ai đó chứ “
Nàng thổn thức qua nước mắt :
Em có dám làm ngay đâu, em đã ủ trước trong chăn rồi mới áp mà . “
Đến nước này thì còn nói chi được,
Tôi nhẫn nại vạch lưng :
- “Thì đây, ấn mẹ nó chân vô trước đi, để người ta thiu thiu ngủ rồi mới dí vào thì chịu thế “đíu” nào được “
Nàng hoà hoãn,
- “Hay là anh mua cho em cái máy sưởi chân vậy . “
Tôi nói giọng ngái ngủ :
- “Ừ, thì để mai tính “
Khi giấc ngủ đã bắt đầu hơi hơi trở lại, tôi nghe giọng Nàng vo ve như muỗi :
- “ Hồi nãy đang nằm với em, sao anh lại tưởng là ai ?”
- "Sao ?"
- " Hồi nẫy anh nói "Anh cứ tưởng là ai, vậy "ai" là ai vậy anh ?"
Tôi giật mình vã mồ hôi, tỉnh hẳn người lên :
- “Thôi rồi, chết mẹ tôi rồi !”
. . . .
(còn tiếp)
Để phục vụ quý bạn đọc theo dõi , tôi xin đc post tiếp ạ :
Chiều nay tôi được ăn chả cã Lã Vọng . Bà chị dâu dùng cá basa của Việt Nam và bắt chước kiểu làm dạy trên mạng. Cá thì rẻ nên ê hề . Chỉ có rau thì-là lại có ít thôi nên mình cứ phải nhấm nháp chút một . Bà thân tôi có sáng kiến dùng rau tía tô và rau ngò gai ăn chêm vào . Ăn cũng đường được nhưng tội cái là ba cái rau thơm nó bị bay đi đâu hết hương vị rồi . Nhai rau ráu như nhai cỏ . Lá răng cưa (ngò gai) nó to và dài như cọng lau . Lá tía tô to bằng cái lá trầu, có cái còn to hơn thế. Chúng tôi không có nghệ nên dùng mầu cho vào trông cũng ra trò nhưng cứ thấy giả dối gì đấy .
Cám ơn Bạn đã giải nghĩa chữ "củ chuối" . Tôi đang điên đầu vì ba cái vụ đặt tên con đây . May đấy, chứ không lại phang cái tên "củ chuối" vào là thấy mẹ ngay . Kể từ ngày qua Mỹ, những tên Việt Nam như Loan, Phúc, Đoàn, Ngô v.v. bị tuyệt rồi . Chả ai dám đặt nữa . Họ dùng những tên có thanh bằng để người ngoại quốc dễ gọi .
2 thập niên trở lại đây, người mình bắt đầu về nguồn, hiếm ai dùng tên Mỹ để đặt tên con cái . Nhưng bi kịch của tôi là bố mẹ vợ tôi chọn những cái tên nghe rầu hết sức . Tôi nể lắm nhưng không dám theo . Tên Rự, Gòong, Riện nghe không có nghĩa gì cả phải không các Bạn . Tôi nói đùa là sẽ đặt tên con là "Khẳm" . Điều này làm các cô dì chú bác bên đằng vợ tưởng tôi nói thật nên can ngăn tôi rất chân tình . Tôi chỉ phì ra cười nhưng không dám cười lâu sợ bị coi là thằng đểu cáng .
Thôi, tôi phải vào phòng xem vợ chuyển dạ chưa để mau mau phóng vào nhà thương . Khốn lắm giời ạ, đã đến 2 hôm nay ngủ thì tí xíu, ăn uống thì pizza của Ý với lại nacho của Mễ Tây Cơ nốc vào, bụng lúc nào cũng sôi lên ong ỏng . Chiều nay được một bụng Chả Cá Lã Vọng nên cũng đỡ tủi .
Tôi không quên là tôi vẫn còn nợ các Bạn câu chuyện "Người Vợ Bắc Kỳ" đâu . Thầy tôi vẫn nói :
"Nhất bắc kỳ, nhì thế giới" đấy . Viết về Người vợ Bắc Kỳ nho nhỏ thì để tôi hoàn hồn cái đã nhé . Nhà tôi, mỗi lần vào mạng thì miệng lại vén lên cười vui như tết. Bụng to lắm rồi mà mỗi lần cười nó cứ nẩy nẩy lên trông ngộ đáo để .
------------------------------------------------------
Mẹ tôi là một người theo lề lối cổ xưa và giữ gìn truyền thống cha ông. Điều này là điều tốt lành, tôi biết. Nhưng khi qua bên Mỹ này thì nhiều khi không còn thích hợp. Lũ con cháu trong gia đình đã nhiều lần lao xao về những phép tắc hay luật lệ bất thành văn của Người. Chuyện này thì nhiều lắm. Thí dụ như một hôm mẹ tôi nằng nặc đòi chúng tôi phải đóng lại cái bậc tam cấp đi lên nhà kho chứa đồ. Làm lại thì cũng dễ thôi, nhưng cám cảnh là lý do mà Mẹ tôi nêu ra chả hợp lý tí nào. Bà muốn bậc tam cấp phải là 3 bậc hoặc 5 bậc chứ không được phép 4 bậc.
Đứa em trai cau mặt:
- “ Thưa mẹ, đóng 3 bậc thì phải bước chân cao quá, mà 5 bậc thì lại thấp lè tè, sợ hụt chân. 4 bậc là vừa nhất.”
Mẹ tôi lắc đầu quầy quậy:
- “Cứ phải đóng 5 bậc mới được.”
Đứa em nhíu mày thắc mắc:
- “Tại sao lại cứ phải 5 ?”
Mẹ tôi lặng thinh không đáp. Đứa em tưởng vậy là qua chuyện, có ngờ đâu chiều đến, bà lần mần lấy gạch kê lên thêm cho đủ 5 bậc, trông mất thẩm mỹ vô cùng. Sợ mẹ buồn, chúng tôi chả ai dám lấy ra. Cho đến bây giờ, con cháu trong gia đình vẫn còn thắc mắc. (Khi tôi viết đến đây, thì có một người kiến thức rộng, có giải thích rằng: Sở dĩ người Á Đông kỵ các bậc có cấp số nhân của bốn là vì căn cứ theo chu kỳ “Sanh-Lão-Mệnh-Tử rồi lại đếm tiếp Sinh-Lão-Mệnh-Tử. . “. Hóa ra Mẹ tôi sợ bậc số bốn rơi vào bậc chết nên kiêng chăng? )
Sở dĩ tôi mang câu chuyện trên ra đây, là để dẫn đường cho việc còn kinh khủng hơn nhiều. Trước ngày nhà tôi sanh nở, mẹ vợ tôi đến ở với vợ chồng chúng tôi ba tháng để giúp đỡ nhà tôi trong lúc chửa đẻ. (Hình như đây là phong tục người Việt mình thì phải) Mẹ vợ và mẹ tôi, chưa bao giờ hai bà lại hợp gu với nhau về vấn đề kiêng cữ như thế này. Hình như về việc này thì mẹ vợ tôi còn kỹ lưỡng hơn nữa. Đã hai tuần nay, bà cấm tuyệt vợ tôi đụng nước và đồng thời không cho phép chúng tôi gần gũi nhau. Nhà tôi vốn sạch sẽ. Bát đĩa và quần áo lúc nào cũng phải cáu cạnh. Vải có thể mục vì thuốc tẩy, nhưng không thể có một vết nhơ trên đó. Nay bị cấm tắm đã mấy tuần, nàng đau khổ mang chuyện ra hỏi tôi.
Tôi trấn an:
- “ Em chả cần sợ anh đòi gần gũi. Vài hôm nữa thôi, nhà sẽ đầy chuột và em sẽ nặng thêm ít nhất vài ký”
Nàng không hiểu nên mắt ngơ ngác:
- “ Anh nói sao? Em không hiểu.”
Tôi trêu già:
- “Dễ hiểu thôi, vì người em sẽ hôi rình và chuột tưởng là họ hàng nhà chúng nên kéo đến thăm. Còn người tăng vài ký vì ghét bám trên người.”
Nàng lừ mắt:
- “Vui lắm đấy mà làm trò. Tối nay em sẽ tắm chứ không thì chết mất.”
Tôi phá đám gọi to lên:
- “Má ơi, nhà con nó đòi mó nước nè.”
Nhà tôi tức tối mặt phụng phịu chực khóc. Má tôi ở ngoài nói chuyện với Mẹ tôi nhưng nói rõ to. Hai bà nói chuyện với nhau, mà tình thật là cố ý để cho chúng tôi nghe. Đại để thì câu chuyện đại loại như thế này:
Mẹ vợ:
- “Ôi dào, ngày xưa khi có mang thằng cả, phải ra chòi lá sau vườn chứ có được ở nệm êm chăn ấm như thế này đâu. Khốn nạn, cứ giời bắt đầu mưa là bà cụ bắt phải chùm cho kín.”
Mẹ tôi:
- “Thật là kiêng cho chúng nó mà chúng nó có biết cho đâu. Không khéo mà bị hậu sản thì khốn đốn cả đời.”
Hai bà cứ người tung kẻ hứng vào lúc cơm chiều và hai vợ chồng tôi nháy mắt mỉm cười với nhau thông cảm. Nhưng chuyện làm thinh này không thể kéo dài khi hai bà cùng quyết định cho nhà tôi uống nước tiểu. Đây là chuyện ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Lúc đầu tôi tưởng họ chỉ nói đùa cho vui nên tôi lém lỉnh pha trò:
- “Phải đấy, nước tiểu có khả năng làm cho cây cối xanh tươi, thì nó cũng có thể làm cho bào thai khoẻ mạnh. Em
có cần thì anh sẵn lòng bĩnh cho dăm vại. “
Má tôi tưởng thật lắc đầu quầy quậy.
- “Không được, phải dùng nước tiểu con nít.”
Cái khó khăn là con nít thì nhiều vãi ra, tụi nhãi ranh nô như quỷ nhưng lại là mỹ con. Chả lẽ bưng bô đến gõ cửa nhà người ta xin nước đái ? Khoảng mấy năm trở lại, kể từ khi câu chuyện xách nhiễu tình dục của Clarence Thomas (nhân vật mà Tổng Thống Bush đề cử vào chức vụ tối cao pháp viện) được báo chí xúm vào hài tội, thì vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em cũng được mổ xẻ một cách kỹ lưỡng. Tôi buông thõng một câu :
- “Thôi nhé mẹ, đừng xi con người ta tiểu mà vãi tội ra đấy. Tù chứ chẳng chơi.”
Nhà tôi hí hửng chêm vào:
- “ Vâng, thời gian này mà đụng vào con nít thì chỉ có chết. Thôi, để con uống thêm vi ta min cũng được.”
Nàng nhìn tôi với ánh mắt van lơn, yÙ chừng muốn tôi nói thêm vào.
Tôi mau mắn kiếm điểm:
- “Kiếm đâu ra con nít Việt Nam trong vùng này ? Thôi mai em nói bác sĩ kê toa mua thuốc bổ mà uống.”
Sau khi đã chắc mẩm việc uống nước đái đã giải quyết xong, tôi nghịch ngợm nói thêm câu lấy lòng:
- “Má với Mẹ dầu gì cũng đã can qua những lần vượt cạn nên kinh nghiệm đầy mình. Em nên nghe lời chỉ dạy thì tốt cho cái thai trong bụng.”
Nhà tôi nguýt:
- “Gớm, anh có mang bầu đâu mà nói hay cái miệng.”
Má tôi chỉ đợi có thế nên chêm vào:
- “Ơ hay, con này nói hay nhỉ. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành chớ. Lỡ mai rày bị hậu sản thì khổ chồng khổ con. Tao bảo trước cho mà biết.”
Thật tình thì cho đến bây giờ chúng tôi cũng không biết bị hậu sản là bị chi. Hở một điều là hai bà mẹ lại mang ra dọa. Nhưng đây không phải là vấn đề. Điểm khốn khó khôn lường là không ngờ là chính câu nói ba phải, mua lòng trên kia của tôi gây ra hậu quả tai hại.
Ở bên Mỹ này, ai cũng có thư hết, kể cả đứa bé mới sanh. (Phần đông là thư quảng cáo thương mại hoặc các tem khuyến mãi). Một tuần sau ngày câu chuyện, buổi chiều khi tôi đi làm về thì thấy có một hộp to để trên bàn ăn. Dấu bưu điện xanh đỏ chứng tỏ từ xa gởi đến. Một chiếc hộp trái mùa, vì bây giờ không phải là ngày lễ. Kiện hàng thì họa hoằn mới có một lần, thường thì quà giáng sinh do người thân gởi đến. Cứ tưởng bở như mọi lần, nhà tôi háo hức đợi tôi đi làm về mới cùng nhau mở ra xem. Thùng to, có rất nhiều giấy báo bao bọc chung quanh. Hai đứa tôi đua nhau đoán vụng đoán trộm xem chị Ba gởi cho mình cái gì.
(còn tiếp)
chyngjeeng
30-07-2012, 01:28 PM
Anh này ác quá đi :(( Sao anh cho ngừng ngay đúng khúc này chứ :((
Lần sau, post nhiều lên tí, anh nha :D
vBulletin v3.6.1, Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.